Thế giới 24h: Mảnh vỡ ở Maldives có thể hé lộ vị trí rơi của MH370?
VOV.VN - Các mảnh vỡ máy bay có thể đã dạt vào đảo Maldives, Ấn Độ Dương dấy lên hy vọng xác định được vị trí mất tích của MH370.
1.Daily Mail dẫn lời báo chí địa phương các mảnh vỡ máy bay đã được tìm thấy tại các đảo Baa Atoll Fehendhoo và Fulhahdhoo, cả hai đều nằm ở khu vực đảo Nam Maalhosmadulhu. Tuy nhiên cảnh sát địa phương chưa xác nhận thông tin này.
Cư dân Noonu thuộc quần đảo Miladhunmadulu cũng đã tìm thấy một mảnh vỡ máy bay. Mảnh vỡ được tìm thấy có cấu trúc tổ ong bên trong, rất giống với các vật liệu được sử dụng trong ngành hàng không.
Mảnh vỡ trôi dạt vào đảo Maldives, có cấu trúc tổ ong giống vật liệu sử dụng trong ngành hàng không. Phát hiện này có thể hé lộ vị trí rơi của MH370? (ảnh: facebook) |
Trong một bức ảnh của cư dân Maldives, có hình một mảng kim loại lớn tương tự mảng cánh máy bay đã dạt vào đảo Reunion của Pháp, vị trí cách Maldives hơn 3.000km.
Trước đó người dân quần đảo Maldives cũng nói đã nhìn thấy một chiếc máy bay lớn bay qua khu vực này đúng ngày MH370 mất tích. Người dân nói có khả năng chiếc máy bay này đã đâm xuống biển.
Ngày 9/8, Maldives đã gia nhập vào lực lượng quốc tế tìm kiếm chiếc máy bay MH370 mất tích. Ông Mohamed Shareef, chánh văn phòng Tổng thống Maldives cho biết các điều tra viên nước này đang hợp tác chặt chẽ với nhà chức trách hàng không của Malaysia để xác định nguồn gốc của những mảnh vỡ này.
2.Phe cực hữu Right Sector ở Ukraine lại nổi loạn, lên kế hoạch tổ chức một hành động khiêu khích quy mô lớn tại Odessa, tương tụ vụ thảm sát tại đây năm ngoái.
Ngày 9/8, phe cực hữu kích động hàng loạt người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa kéo về Odessa nhằm thực hiện một cuộc biểu tình đối chọi với nhóm hoạt động chống Maidan.
Phe cực hữu Ukraine đốt lửa trong cuộc biểu tình ở Kiev hôm 3/7. (ảnh: Reuters) |
Theo Sputnik, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Ukraine được cho là sẵn sàng tấn công những người không đồng ý với tư tưởng chính trị của họ. Sự hung hăng của những người ủng hộ Phe cực hữu được đánh giá là rất dễ xảy ra nguy cơ một vụ “tắm máu” trên đường phố Odessa, tương tự như hồi tháng 5/2014, khi các phần tử dân tộc cực đoan tàn nhẫn sát hại 48 người tại Nhà Công đoàn trong cuộc đụng độ với các nhà hoạt động chống Maidan.
Thời gian gần đây, hoạt động của Phe cực hữu Right Sector được cho là mất kiểm soát.
Từ Maidan đến Mukachevo: Ukraine đang lún sâu vào khủng hoảng
3. Siêu bão Soudelor gây thiệt hại nặng nề tại Trung Quốc. Chiết Giang và Phúc Kiến là hai địa phương Trung Quốc chịu ảnh hưởng trực tiếp cũng như bị thiệt hại nhiều nhất.
Cơn bão có tên quốc tế là Soudelor - Trung Quốc gọi là cơn báo số 13, sau khi quét qua Đài Loan và gây thiệt hại tại nơi đây, đã đổ bộ vào các tỉnh miền Đông Trung Quốc trong các ngày 8 và 9/8.
Theo thống kê mới nhất, tại tỉnh Chiết Giang, siêu bão Soudelor đã làm 14 người thiệt mạng, 4 người mất tích và gần 2 triệu người dân phải gánh chịu thiệt hại. Còn tại tỉnh Phúc Kiến, bão Soudelor đã làm 3 người thiệt mạng, 1 người mất tích, kéo đổ 3.000 căn nhà, huỷ hoại gần 60.000 héc-ta hoa màu, ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 1 triệu người dân.
Trước đó, bão siêu bão Soudelor sau khi đổ bộ vào Đài Loan đã cướp đi sinh mạng của 6 người và làm 185 người khác bị thương, kéo đổ nhiểu công trình xây dựng.
Clip: Siêu bão Soudelor cuốn bay cả ô tô trong nháy mắt
4. Một kẻ đánh bom khủng bố bằng xe hơi đã cho nổ bom gần lối vào sân bay quốc tế Kabul vào giữa giờ ăn trưa ngày 10/8, gây ra cảnh tượng chết chóc. Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Phó Tư lệnh cảnh sát Kabul Sayed Gul Agha Rouhani nói: “Vụ nổ xảy ra tại chốt kiểm soát đầu tiên của sân bay Kabul” . Theo các quan chức Afghanistan ít nhất 4 người thiệt mạng trong vụ đánh bom này.
Trong khi đó loạt vụ nổ bom vào hôm 7/8 xảy ra gần một cơ sở của quân đội, một trường cảnh sát và căn cứ của đặc nhiệm Mỹ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 51 người.
Đây là các vụ tấn công lớn đầu tiên kể từ khi nhân vật Mullah Akhtar Mansour được “bổ nhiệm” vào vị trí lãnh đạo của Taliban sau khi lực lượng phiến loạn xác nhận thủ lĩnh lâu năm Mullah Omar đã chết.
Xem thêm: Tang tóc vụ đánh bom liều chết tại sân bay quốc tế Kabul
5. Hãng thông tấn Cihan của Thổ Nhĩ Kỳ vừa cho biết, ngày 10/8 hai kẻ tấn công đã nã súng vào lãnh sự quán Mỹ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Hai kẻ tấn công đã bỏ chạy ngay sau khi cảnh sát nổ súng đáp trả.
Lãnh sự quán Mỹ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (ảnh: Reuters) |
Các nghi phạm liên quan đến vụ tấn công vào tòa lãnh sự quán Mỹ ở quận Sariyer, Istanbul, gồm có 1 người đàn ông và 1 phụ nữ. Hiện chưa có thương vong trong vụ tấn công này. Trong khi đó, theo tin nhận được từ kênh truyền hình NTV (Thổ Nhĩ Kỳ), cảnh sát đã bắt được nghi phạm nữ.
Cùng ngày, hãng thông tấn Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, đã có một vụ nổ xảy ra tại đồn cảnh sát ở thành phố Sultanbeyli, gần Istanbul, làm 3 người thiệt mạng và ít nhất 10 người bị thương.
Thổ Nhĩ Kỳ đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ kể từ khi nước này phát động cuộc chiến toàn diện chống khủng bố hồi tháng trước, trong đó có các cuộc không kích chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Syria và chống lại các chiến binh người Kurd ở miền bắc Iraq./.