Thế giới 24h: Nga dùng tên lửa chính xác cực cao không kích IS ở Syria
VOV.VN -Tên lửa có độ chính xác cực cao Kh-29L là một trong những vũ khí hiện đại mà Nga trang bị cho các chiến đấu cơ làm nhiệm vụ không kích Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
1, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov hôm 4/10 cho biết các máy bay chiến đấu của Nga đã oanh tạc một trung tâm huấn luyện của nhóm Nhà nước Hồi giáo IS gần thành phố al-Tabqa ở tỉnh Raqqa của Syria, phá hủy hoàn toàn cơ sở hạ tầng của trung tâm này.
Ông Konashenkov nói với phóng viên: “Oanh tạc cơ Su-34 đã tấn công trại huấn luyện đặc biệt của IS và kho đạn bằng các trái bom KAB-500 gần al-Tabqa, tỉnh Ar-Raqqa. Kho đạn ở đây phát nổ làm toàn bộ trung tâm này của khủng bố bị phá hủy”.
Nga dùng bom xuyên bê tông đánh thẳng vào các sở chỉ huy IS
Máy bay phản lực Su-25 cũng đã tấn công trại huấn luyện của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở tỉnh Idlib của Syria, phá hủy một công xưởng chế đai thuốc nổ.
Theo Konashenkov, “các máy bay phản lực đã sử dụng bom xuyên bê tông BETAB-500 [chuyên phá boong-ke] để phá hủy 4 sở chỉ huy của nhóm IS. Các cơ sở của khủng bố đã bị phá hủy hoàn toàn. Đạn dược, kho tàng và xe thiết giáp của IS cũng bị phá hủy”.
Phiên bản sử dụng trong huấn luyện của tên lửa không đối đất Kh-29L. Ảnh: Sputnik News |
Tên lửa có độ chính xác cực cao Kh-29L cũng là một trong những vũ khí hiện đại mà Nga trang bị cho các chiến đấu cơ làm nhiệm vụ không kích Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
RIA Novosti dẫn lời đại tá Igor Klimov, người phát ngôn lực lượng không quân Nga, ngày 4/9 cho biết: chiến đấu cơ Su-34 và Su-24 là những mẫu máy bay trang bị loại tên lửa có độ chính xác cao này.
Kh-29L là biến thể của dòng tên lửa Kh-29 do Nga sản xuất, được sử dụng rộng rãi trong quân đội từ năm 1980 đến nay. Kh-29L nặng khoảng 660 kg, dài 3,9m, lắp đầu đạn nổ xuyên giáp nặng 320 kg, tầm bắn đạt từ ba đến 10 km. Loại tên lửa này thường dùng để công phá các mục tiêu cỡ lớn như nhà máy, kho tàng, cầu cảng... Khi cần, nó cũng có thể được sử dụng để tiêu diệt chiến hạm hay tàu vận tải của đối phương.
2, Ngày 4/10, bão Mujigae đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã làm ít nhất 6 người thiệt mạng, 16 người mất tích và gần 200 người bị thương.
Dự báo, bão Mujigae sẽ tiếp tục gây mưa to và gió lớn đối với các khu vực duyên hải của tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam. Thiệt hại về người và tài sản vẫn đang còn có nguy cơ tăng thêm.
Bão Mujigae đổ bộ đảo Lôi Châu, Trung Quốc. (ảnh: Tân Hoa xã). |
Mưa bão cũng đang hoành hành tại Nam Carolina, của Mỹ với lượng mưa lớn xảy ra chỉ 1 lần trong vòng 1.000 năm tại khu vực này.
Theo Reuters, mưa lớn xối xả tại miền đông nam nước Mỹ ngày 4/10 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 8 người.
Lượng mưa lên tới 45 cm đã trút xuống nhiều khu vực trung tâm ở bang Nam Carolina. Thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley cho biết, nhiều khu vực tại bang này đã phải hứng chịu trận mưa nghiêm trọng, mực nước sông Congaree đã lên mức cao nhất kể từ năm 1936.
Mũ hứng chịu trận lũ lịch sử trong vòng 1.000 năm qua. (ảnh: AP). |
Bên cạnh đó, tại Pháp, các nhà chức trách cũng đã tuyên bố thảm họa thiên tai tại vùng du lịch miền Đông - Nam nước này, sau khi mưa bão và lũ quét bất ngờ xảy xa từ đêm 3/10.
Mưa bão lớn khiến nước trên các con sông ở khu vực ven biển Địa Trung Hải ở miền Nam nước Pháp tràn bờ, gây ngập lụt cho các thành phố. Ít nhất 16 người thiệt mạng và 3 người hiện vẫn mất tích sau khi một cơn bão dữ dội đêm 4/10 đổ bộ vào khu vực bờ biển Riviera, Pháp.
3, AFP dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/10 cho biết, chiến đấu cơ F-16 của nước này đã ngăn chặn một máy bay chiến đấu của Nga vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực gần biên giới với Syria và buộc nó phải quay lại không phận Syria.
Hai máy bay chiến đấu Su-30 của Nga hạ cánh tại căn cứ không quân ở Latakia, Syria. (Ảnh: Sputnik). |
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã triệu Đại sứ Nga tại Ankara tới trụ sở Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ để "phản đối mạnh mẽ" hành vi vi phạm không phận này.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Nga "không lặp lại bất kỳ hành động nào tương tự", nếu không Nga "sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về những sự cố không mong muốn có thể xảy ra".
4, Triều Tiên vừa thông báo sẽ trao trả cho phía Hàn Quốc sinh viên nước này đang theo học ở Mỹ vào cuối ngày 5/10.
Joo Won-moon trả lời phỏng vấn trước truyền thông Triều Tiên và nước ngoài ở Bình Nhưỡng hôm 25/9. (Ảnh: AFP). |
Tuyên bố của Bộ thống Nhất Hàn Quốc nêu rõ, Hội Chữ thập Đỏ của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đã thông báo cho phía chính phủ Hàn Quốc rằng, nước này sẽ trả tự do cho sinh viên Joo Won-moon, 21 tuổi, bị Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên bắt giữ hôm 22/4 vừa qua.
Phía Triều Tiên sẽ trả sinh viên Joo Won-moon cho phiá Hàn Quốc ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào lúc 5h30’ chiều 5/10 (giờ địa phương).
5, Tư lệnh cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Tướng Chakthip Chaijinda ngày 4/10 cho biết, nghi phạm mặc áo sơ mi màu xanh liên quan đến vụ đánh bom tại bến cảng Sathorn ở thủ đô Bangkok hồi tháng 8 vừa qua, đã lợi dụng biên giới miền nam giữa Thái Lan và Malaysia để trốn thoát.
Nghi phạm áo xanh Zubair Abdullah gây ra vụ nổ bom ở bến cảnh Sathon. (Ảnh: Bangkok Post). |
Nghi phạm được xác định là Zubair Abdullah đã bị camera an ninh tại bến cảng Sathorn, Bangkok, ghi hình lại vào tối hôm 17/8 khi tên này đá chiếc túi đựng bom xuống bến cảng. Tư lệnh cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã liên lạc với nhà chức trách Malaysia để truy tìm đối tượng này.
6, Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) ngày 4/10, yêu cầu cuộc điều tra quốc tế độc lập về vụ không kích nhầm của Mỹ vào bệnh viện ở Afghanistan.
Vụ không kích nhầm vào bệnh viện do MSF điều hành ở thành phố Kunduz, phía bắc Afghanistan đã khiến 22 người thiệt mạng.
Bệnh viện ở Kunduz điều trị cho gần 400 bệnh nhân khi xảy ra cuộc tấn công. (Ảnh:Reuters). |
Tổng Giám đốc điều hành Tổ chức Bác sỹ không biên giới Christopher Stokes cho biết, quân đội Mỹ đã điều tra về vụ không kích này. Tuy nhiên, chỉ dựa vào cuộc điều tra nội bộ của một bên tham chiến vẫn chưa đủ. Ông Christopher Stokes cho rằng cuộc không kích nhằm vào bệnh viện này là một “tội ác chiến tranh”, đồng thời yêu cầu một cơ quan quốc tế độc lập tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và minh bạch về vụ việc.
Trong một diễn biến liên quan, sáng 5/10, tổ chức Các Bác sỹ Không biên giới (MSF) quyết định rút nhân viên ra khỏi Kunduz, Afghanistan. Hiện Kunduz trở thành bãi chiến trường sau khi Taliban tấn công chiếm thành phố này cách đây gần 1 tuần./.