Thế giới 24h: Philippines ủng hộ Mỹ tuần tra ở Biển Đông
VOV.VN- Philippines đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch của Mỹ triển khai một tàu hải quân gần đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trên Biển Đông.
1. Bộ Ngoại giao Philippines ngày 13/10 cho biết, kế hoạch của Mỹ “phù hợp với luật pháp quốc tế và đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực”.
Các tàu thuộc hạm đội 7 của Mỹ hoạt động tại Thái Bình Dương. Ảnh Wikipedia |
Báo US Navy Times (Mỹ) tuần trước cũng thông tin cho rằng, lực lượng Hải quân Mỹ có thể sẽ sớm nhận được sự chấp thuận đối với nhiệm vụ tuần tra này.
Báo US Navy Times cho biết thêm, động thái này của Hải quân Mỹ nhằm củng cố lập trường của Washington rằng những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng không thể tạo nên lãnh thổ có chủ quyền thực sự và không phải là “một trường hợp hợp pháp” theo luật quốc tế.
Bộ Ngoại giao Phlippines cũng cảnh báo, nếu “Mỹ thất bại trong việc thách thức tuyên bố chủ quyền sai trái của Trung Quốc sẽ khiến Trung Quốc đi đến kết luận sai lầm rằng, tuyên bố của mình được các nước khác chấp thuận như một điều tất yếu”.
Giới chức Philippines nhấn mạnh, điều này rất quan trọng đối với cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước.
2. Những nước đi khôn ngoan của Tổng thống Nga Putin đã dồn các “kỳ thủ” Mỹ vào thế bí trong ván cờ Syria.
Sputnik dẫn lời nhà báo Mỹ Mike Whitney nhận định, kế hoạch lật đổ Tổng thống Syria Bashar al- Assad của Mỹ đã thất bại nặng nề. Ngoài ra, việc Mỹ “sáng tạo” ra thuật ngữ khủng bố “tốt” và “xấu” tại Syria đã tự đẩy Washington vào “sự bế tắc về tư tưởng”.
Mỹ đang gặp thế bí trong ván cờ Syria. Ảnh Sputnik |
Theo ông Whitney, Nga đã khiến “ván cờ” Trung Đông trở nên phức tạp hơn bao giờ hết và khiến những quan chức “diều hâu” Mỹ, gồm cả chiến lược gia về địa chính trị hàng đầu của Mỹ Zbigniew Brzezinski phải thất vọng.
Chính Nga đã “đi trước một bước” khi tấn công chớp nhoáng nhưng cực kỳ chính xác vào các vị trí của IS tại Syria. Hiệu quả của các cuộc tấn công này đập tan ý tưởng của ông Brzezinski rằng Mỹ cần phải nhanh tay “ngăn cản các chiến dịch không kích và tấn công bằng tàu Hải quân của Nga để tái lập lại vị trí siêu cường của mình”, nhà báo Mỹ Jim W. Dean của tờ Veterans Today nhận định.
Phô trương sức mạnh tại Syria, Nga gửi thông điệp cứng rắn tới châu Âu
3. Giới chức Philippines ngày 13/10 bác bỏ giả thuyết cho rằng mảnh vỡ tìm thấy trên một hòn đảo miền Nam nước này thuộc về MH370.
Trước đó, một người dân đã báo với cảnh sát Philippines về việc tìm thấy mảnh vỡ của một chiếc máy bay có sơn cờ Malaysia trên đảo Sugbay ở Tawi Tawi.
Binh sĩ đặc nhiệm Hải quân Philippines tuần tra tại Tawi Tawi, nơi nghi ngờ tìm thấy mảnh vỡ máy bay MH370. Ảnh AFP |
Nhân chứng phát hiện ra xương người, bao gồm một hộp sọ trên ghế phi công của chiếc máy bay này.
Nhiều bài báo đã nghi ngờ rằng mảnh vỡ này có thể thuộc về máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích hồi tháng 3/2014 khi trên đường bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh với 239 hành khách và phi hành đoàn.
Tuy nhiên, Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Hải quân 61 của Philippines bác bỏ những suy luận này.
4. Máy bay MH17 đã bị một tên lửa phóng từ Zaroschenskoye, khu vực do quân Chính phủ Ukraine kiểm soát ở Miền Đông, bắn hạ.
Ông Mikhail Malyshevsky, Cố vấn cho các kỹ sư hàng đầu về sản xuất hệ thống tên lửa Buk tại tập đoàn Almaz-Antey nhấn mạnh: “Ngày hôm nay, chúng ta có thể khẳng định rằng, nếu máy bay Boeing bị một quả tên lửa Buk bắn hạ thì quả tên lửa này phải là loại 9M38 được phóng từ khu vực Zaroschenskoye ở miền Đông Ukraine”.
Hiện trường mảnh vỡ máy bay MH17. Ảnh AFP |
Theo ông Malyshevsky, những quả tên lửa cuối cùng thuộc loại này được Liên Xô chế tạo từ năm 1986 và đã bị Nga tiêu hủy hết vào năm 2011 bởi thời hạn sử dụng tên lửa này là 25 năm kể từ khi sản xuất (tính cả những đợt gia hạn).
CEO của Almaz-Amtey Yan Novikov cho biết, Tập đoàn này đã phải sử dụng các máy bay Il-86 và tên lửa 9M38M1 trong các cuộc thí nghiệm về vụ MH17 bị bắn rơi.
“Chúng tôi đã phải thực hiện thí nghiệm 2 lần với các điều kiện hoàn toàn tương tự với điều kiện thực tế đến. Do không có máy bay Boeing-777, chúng tôi đã dùng Il-86- loại máy bay có phần thân và các chi tiết khác giống với Boeing-777 để thí nghiệm. Cuộc thí nghiệm cuối cùng được tiến hành vào ngày 7/10”, ông Novikov nói.
5. Hai quả rocket đã bắn trúng tòa nhà Đại sứ quán Nga ở thủ đô Damascus vào ngày 13/10.
AFP cho biết, tại thời điểm xảy ra vụ việc trên, có khoảng 300 người tụ tập trước tòa nhà này để biểu tình ủng hộ việc Nga tiến hành các cuộc không kích IS tại Syria. Những người này vẫy cờ Nga và mang hình của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
|
Một nhân chức cho biết, hai quả rocket này rơi xuống một công viên gần tòa nhà Đại sứ quán trong khi đó, một nhân chứng khác lại cho rằng, một trong 2 quả rocket rơi trong khuôn viên tòa Đại sứ.
Hãng tin Interfax của Nga dẫn lời Thư ký thứ nhất Đại sứ quán Nga tại Syria Eldar Kurbanov cho biết, rất may không ai trong tòa nhà Đại sứ quán bị thương.
Trong khi đó, Tổ chức Đài quan sát Nhân quyền tại Syria cho biết, hai quả rocket này được bắn từ khu vực phía Đông của thành phố nơi phe đối lập ẩn náu./.