Thế giới 24h: Phương Tây lợi dụng Hồ sơ Panama để công kích ông Putin?
VOV.VN - Trước khi “Hồ sơ Panama” được công bố, Tổng thống Nga Putin đã bị truyền thông phương Tây đồn thổi “giàu có nhất thế giới”.
1. Tài sản cá nhân của Tổng thống Nga Putin luôn là nguồn gốc của những lời đồn thổi. Chính vì vậy, theo Sputnik News, ngay khi “Hồ sơ Panama” xuất hiện ngày 3/4 và gây rúng động thế giới, báo chí phương Tây lập tức tập trung vào một người duy nhất, dù người đó không hề được đề cập trong bộ Hồ sơ dày tới 11,5 triệu trang bị rò rỉ từ hãng luật Mosscak Fonseca ở Panama.
Tổng thống Nga Putin. Ảnh Reuters
Theo báo chí phương Tây từ những thông tin mà “Hồ sơ Panama” tiết lộ, tài sản của ông Putin tối thiểu phải lên đến 2 tỷ USD. Tuy nhiên, trên thực tế, đây không phải là tài sản cá nhân của ông mà là của một người bạn thân của Tổng thống Nga và con số này cũng chỉ là đồn thổi. “Hồ sơ Panama” không hề cho thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa 2 người.
Đáng tiếc, số tiền 2 tỷ USD mà nghệ sĩ cello nổi tiếng Sergey Roldugin được cho là đang sở hữu không thể “hấp dẫn” truyền thông phương Tây bằng số tiền 40 tỷ USD mà họ đồn thổi rằng Tổng thống Nga che giấu ở các tài khoản nước ngoài.
Ngoài ra, ông Putin được cho là sở hữu rất nhiều du thuyền, lâu đài và đồng hồ Thụy Sĩ loại xa xỉ. CEO của Quỹ Quản lý Tài sản Hermitage William Browder hồi tháng 2/2015 đã “ước tính” tổng tài sản của ông Putin lên đến 200 tỷ USD.
Thủ tướng Pakistan bác bỏ cáo buộc dính líu đến Hồ sơ Panama
2. Reuters ngày 6/4 đưa tin, Trung Quốc đã bắt đầu vận hành ngọn hải đăng trên một trong những hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Reuters dẫn nguồn tin từ Tân Hoa xã cho biết, ngày 5/4, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc đã tổ chức “lễ khánh thành”, đánh dấu việc ngọn hải đăng cao 55m Bắc Kinh xây dựng trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa chính thức đi vào hoạt động.
Ngọn hải đăng Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Subi. Ảnh Reuters |
Ngọn hải đăng phi pháp trên đá Subi được Trung Quốc động thổ vào tháng 10/2015, sau khi hoàn thành, nó có phạm vi chiếu sáng 22 hải lý.
Ngoài ngọn hải đăng nói trên, Trung Quốc còn xây dựng Trạm nhận biết tàu thuyền tự động (AIS) và trạm radar cao tần (VHF) trên đá Subi, với cái cớ là "phục vụ thông tin hàng hải, cung cấp số liệu định vị" cho tàu thuyền qua lại.
Trung Quốc cho đến nay vẫn bao biện cho hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của họ bằng cách cho rằng, việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông là để thực thi nghĩa vụ quốc tế, đảm bảo an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, luận điệu này của Bắc Kinh không được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Mỹ có thể làm gì để duy trì an ninh ở Biển Đông?
3. Armenia và Azerbaijan ngày 5/4 tuyên bố đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau vài ngày giao tranh dữ dội tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Theo thông báo của Bộ quốc phòng Armenia, thỏa thuận ngừng bắn sẽ có hiệu lực từ 12h (giờ địa phương). Chi tiết bản thỏa thuận đang được thảo luận. Phía Azerbaijan cũng xác nhận hoạt động quân sự đã tạm dừng từ 12h địa phương.
Binh sĩ Armenia tại khu vực Nagorno-Karabakh. Ảnh AP |
Tổng thống Azerbaijan tuyên bố: “Tôi một lần nữa khẳng định, phía Azerbaijan đã ngừng tất cả các hoạt động quân sự nhưng với một điều kiện phía Armenia cũng làm điều tương tự. Tức là họ cũng phải ngừng bắn, ở nguyên vị trí và không được di chuyển”.
Cơ quan quốc phòng của Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng cũng cho biết, vùng lãnh thổ này và Azerbaijan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt 4 ngày giao tranh dữ dội tại đây.
Phó chỉ huy quân đội Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng, Đại tá Vitaly Arustamyan nói:"Quân đội quốc phòng Nagorno-Karabakh thực hiện lệnh ngừng bắn từ 12 giờ ngày 5/4. Các vị trí chiến lược của chúng tôi thỉnh thoảng vẫn bị đạn pháo từ phía Azerbaijan bắn sang nhưng không nhiều và dữ dội như những ngày trước đó”.
OSCE kêu gọi ngừng bắn bền vững tại khu vực Nagorno-Karabakh
4. Mỹ ngày 5/4 kêu gọi Nga hối thúc Chính phủ Syria cho phép các tổ chức nhân đạo được vào bên trong khu vực bị bao vây.
Trước việc một bé trai chết đói và ba trẻ em khác chết vì bom mìn do không kịp sơ tán khỏi Madaya, Mỹ kêu gọi Nga thúc giục Chính phủ Syria cho phép các tổ chức nhân đạo được vào trong khu vực bị bao vây.
Một trẻ em Syria. Ảnh AP |
Đại diện của Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ), bà Samantha Power cho biết tháng 3 có rất ít viện trợ vào được bên trong khu vực bị bao vây của Syria so với tháng 2, khi các cường quốc trên thế giới đã thống nhất chấm dứt chiến sự để cho phép viện trợ nhân đạo vào trong.
Trước yêu cầu của Mỹ, ngày 5/4, người đứng đầu quỹ viện trợ của LHQ ông Stephen O'Brien đã tóm tắt tình hình với Hội đồng Bảo an LHQ và nội dung tóm tắt này được bà Power mô tả là “hết sức ớn lạnh và đau lòng”.
“Ông ấy nói về cậu bé này, cậu bé mà LHQ cố gắng di tản ra khỏi Madaya”, bà Power cầm bức ảnh một cậu bé gầy giơ xương trên tay, trả lời phỏng vấn báo chí. “Chỉ vì Chính phủ Syria từ chối việc sơ tán mà ngày hôm qua, cậu bé đã chết”, bà Power nói.
Đại diện của Mỹ tại LHQ chỉ trích việc một thành viên của Liên Hợp quốc lại có thể chặn nguồn thực phẩm như vậy.
Cậu bé đói khát trong bức ảnh “nhói tim” người xem giờ ra sao?
5. Chiến thắng “nhiều ý nghĩa” của 2 ông Ted Cruz và Bernie Sanders đã khiến cuộc đua vào Nhà Trắng trong 2 Đảng của Mỹ trở nên kịch tính hơn.
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ vào sáng 6/4 (theo giờ Việt Nam), ứng cử viên Ted Cruz của Đảng Cộng hòa và Bernie Sanders của Đảng Dân chủ đã giành thắng lợi quan trọng trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Wisconsin.
Ứng viên Đảng Cộng hòa Ted Cruz (trái) và Đảng Dân chủ Bernie Sanders. Ảnh AP |
Cuộc chạy đua nội bộ của cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ ngày càng kịch tính khi Thượng nghị sỹ Cruz và Sanders đồng loạt vượt qua hai ứng cử viên số một trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Wisconsin.
Theo kết quả sơ bộ, Thượng nghị sỹ Cruz đã giành được hơn 51% phiếu ủng hộ, vượt xa tỷ phú Donald Trump, người chỉ kiếm được hơn 34% số phiếu.
Theo quy định của Đảng Cộng hoà, bang Wisconsin áp dụng hình thức người thắng sẽ giành được hầu hết phiếu và do vậy ông Cruz đã giành được ít nhất 33/42 phiếu đại biểu tại đây.
Thất bại của ứng cử viên Trump tại Wisconsin không có gì đáng ngạc nhiên khi bang này vốn được xem là cứ địa bảo thủ của Đảng Cộng hoà và cũng là bang nhà của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, người không ưa gì tỷ phú Trump.
Ngoài ra, ông Trump cũng bị mất điểm nghiêm trọng khi tấn công trực diện Thống đốc bang, Scott Walker vốn rất được lòng cư dân địa phương. Trước đó, Thống đốc Walker cũng đã tuyên bố ủng hộ ông Cruz./.