Thế giới 24h: Thổ Nhĩ Kỳ điều xe tăng quyết quét sạch IS ở Syria
VOV.VN - Bất chấp sự phản đối của chính quyền Syria, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đưa thêm xe tăng vào Syria với lý do để "xóa sổ" IS và các tay súng người Kurd.
1. Ngày 25/8, tiếp tục có thêm xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua biên giới tiến vào lãnh thổ Syria. Các nhân chứng cho biết họ đã nhìn thấy ít nhất 9 xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria trong khi có khoảng 10 xe tăng khác đang chờ đợi ở khu vực biên giới giữa hai nước.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực biên giới Syria. Ảnh: AP
Theo AFP, sau khi tiến vào lãnh thổ Syria, 9 chiếc xe tăng nói trên đã gia nhập đoàn xe tăng hướng tới thị trấn Jerablus, địa điểm do phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát dọc đường biên giới, nằm ở Tây Bắc Syria.
Sau một loạt cuộc không kích và pháo kích vào sáng 23/8 vừa qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt mở chiến dịch tấn công vào các vị trí của IS nằm trong lãnh thổ miền Bắc Syria.
Mục tiêu của Ankara là đánh bật các phần tử IS và các tay súng người Kurd ra khỏi vùng biên giới Bắc Syria. Khoảng 450 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia cuộc tấn công trên bộ trong ngày đầu tiên của chiến dịch và con số này dự kiến sẽ tăng lên tới 15.000 người trong những ngày tới.
Nga-Mỹ được kỳ vọng hợp tác để thúc đẩy hòa bình Syria
2. Quân đội Mỹ đã coi bà Hillary Clinton là “mối đe dọa từ bên trong đối với an ninh quốc gia”. Điều này được thể hiện rõ trong một bài thuyết trình bằng PowerPoint của một đơn vị quân đội Mỹ trong quá trình huấn luyện binh sĩ tại căn cứ Fort Leonard Wood thuộc bang Missouri.
Hình ảnh trong bài thuyết trình của một đơn vị quân đội Mỹ cho thấy bà Clinton cùng nhiều nhân vật khác là "mối đe dọa từ bên trong đối với an ninh quốc gia". Ảnh: AFP |
Theo đó, bà Clinton nằm trong danh sách nói trên cùng những nhân vật khác như cựu Giám đốc CIA Tướng David Petraeus, binh sĩ Chelsea Manning, Edward Snowden cùng hai kẻ thực hiện vụ xả súng ở căn cứ Fort Hood và Trụ sở Hải quân Mỹ ở Washington là Nidal Hasan và Aaron Alexis.
Những nhân vật này được coi là “những kẻ tay trong có cách hành xử bất cẩn hoặc chống đối” lại Chính phủ Mỹ.
Hình ảnh của bà Clinton cùng những nhân vật nói trên đã được sử dụng tại Fort Leonard Wood từ đầu năm 2015 và không hiểu sao lại được đăng tải trên Facebook vào cuối tuần qua.
Thiếu tá Thomas Campbell, người phát ngôn Bộ binh Mỹ ngày 25/8 cho biết, hình ảnh bà Clinton cùng các nhân vật nói trên đã được dỡ bỏ khỏi bài thuyết trình nói trên.
“Trong yêu cầu huấn luyện bộ binh của quân đội Mỹ, các đơn vị địa phương sẽ tự phát triển những bài huấn luyện riêng của mình để đóng góp vào giáo án huấn luyện chung”, ông Campbell nói: “Bài thuyết trình nói trên chưa được lãnh đạo đơn vị địa phương phê duyệt và không phản ánh chính xác quan điểm của Hải quân Mỹ”.
Trump: Bê bối email cá nhân của bà Clinton là vụ Watergate thứ 2
3. Hai ngày sau trận động đất 6,2 độ richter, lực lượng cứu hộ Italy vẫn đang chạy đua với thời gian để cứu thêm người bị kẹt trong các đống đổ nát.
Theo số liệu cập nhật mới nhất, tính đến sáng nay, có 250 người đã thiệt mạng, trong đó có ít nhất 8 người nước ngoài, gồm 3 người Anh, 2 người Romania, một người Tây Ban Nha, một người Canada và một người El-Salvador.
Các nhân viên cứu hộ Italy đang nỗ lực tìm kiếm những người bị vùi lấp trong đống đổ nát của trận động đất vừa qua. Ảnh: AP |
Hơn 300 người đang phải điều trị trong bệnh viện. Hàng chục người khác được cho là vẫn còn bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Nhiều tòa nhà đã bị hư hại nghiêm trọng. Do đó có không ít người dân đã buộc phải ngủ lại trong ô tô hoặc các lều trại mà nhà chức trách dựng lên.
Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các thị trấn Amatrice, Arquata, Accumoli và Pescara del Tronto. Dân cư các thị trấn này vốn thưa thớt song lượng khách du lịch đến đây lại khá đông về mùa Hè do đó, việc xác định số người mất tích gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện các nhân viên cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những nạn nhân trong thảm họa này. Tuy nhiên, nỗ lực tìm kiếm những người còn sống sót đang gặp rất nhiều khó khăn do hàng trăm dư chấn vẫn liên tiếp xảy ra sau động đất, trong đó có dư chấn mạnh lên đến 4,3 độ richter xảy ra vào chiều tối 25/8.
Khoảng 5.000 nhân viên cứu hộ, cùng với chó nghiệp vụ đang tìm kiếm trong những đống đổ nát, trong khi các cần cẩu liên tục dịch chuyển các tấm bê tông cốt thép của các công trình bị đổ vỡ ra bên ngoài để các xe tải chuyển tới các khu vực khác.
Lực lượng chức năng thậm chí đã phải yêu cầu người dân tắt mật khẩu wi-fi nhằm giúp người bị nạn có thể liên hệ bằng điện thoại với lực lượng chức năng.
Cuộc sống đảo lộn hoàn toàn của người dân Italy vùng động đất
4. Giới chức Mỹ ngày 25/8 cho biết, tàu Hải quân Mỹ đã bắn 3 phát súng cảnh cáo, sau khi 1 tàu tấn công cao tốc của Iran tiếp cận và di chuyển vòng quanh hai tàu Hải quân Mỹ và một tàu của Kuwait ở vùng biển quốc tế thuộc Eo biển Hormuz, phía Bắc vùng Vịnh trước đó một ngày. Đây là một trong nhiều động thái căng thẳng trên biển giữa Mỹ và Iran trong thời gian gần đây.
Một tàu Hải quân Mỹ hoạt động tại Eo biển Hormuz. Ảnh: AP |
Phát biểu trong cuộc họp báo, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, ở thời điểm này, Mỹ chưa rõ ý định của tàu Iran, song "cách hành xử như vậy là không thể chấp nhận được", do tàu Mỹ đang ở vùng biển quốc tế. Theo ông Earnest, những hành động như vậy là "đáng quan ngại và chúng có nguy cơ gây căng thẳng không cần thiết".
Người phát ngôn bộ quốc phòng Mỹ Peter Cook cho biết, khi sự cố xảy ra, tàu Iran cách tàu Hải quân Mỹ khoảng 193m: “Ở khoảng cách gần như vậy, Mỹ buộc phải bắn 3 phát cảnh cáo sau khi đã áp dụng nhiều biện pháp cảnh báo trước đó nhằm làm giảm căng thẳng, trong đó có cả bắn pháo sáng ra hiệu và liên lạc qua radio.
Tất cả những biện pháp này đều chỉ là để tự phòng vệ, đảm bảo an toàn cho tàu và thủy thủ của chúng tôi và tránh cho bối cảnh leo thang thành tình hình nghiêm trọng hơn".
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan khẳng định, những chiếc tàu của Iran bị cáo buộc quấy nhiễu tàu chiến Mỹ chỉ đang làm nhiệm vụ, đồng thời tuyên bố Iran sẽ đối đầu với bất cứ tàu Mỹ nào đi vào vùng biển Iran.
Tàu Hải quân Mỹ bắn cảnh cáo tàu Iran
5. Tòa án Hành chính Tối cao Pháp ngày 26/8 sẽ ra quyết định ủng hộ hoặc đình chỉ lệnh cấm burkini, đồ bơi trùm kín người của người Hồi giáo trên các bãi biển đang có xu hướng lan rộng tại nhiều thành phố của Pháp.
Nhiều người Pháp cho rằng việc cấm đồ bơi burkini của người Hồi giáo là sự lo xa quá mực cần thiết của giới chức Pháp. Ảnh Reuters |
Theo dự kiến, Tòa án Hành chính Tối cao của Pháp sẽ ra phán quyết vào 13h chiều (giờ địa phương), tức 20h tối (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, tòa sẽ không tập trung xem xét về tính hợp pháp của lệnh cấm mà sẽ chỉ quyết định là liệu có cơ sở để tòa án phải hành động khẩn cấp hay chỉ tạm thời đỉnh chỉ lệnh cấm burkini mà chính quyền nhiều thành phố của Pháp đang áp dụng hay không, trước khi có những ý kiến đánh giá về tính hợp pháp của quy định này.
Do đó, việc mà tòa hành chính sẽ làm là cân nhắc 2 yếu tố, liệu sắc lệnh cấm của chính quyền các thành phố có phải là sự vi phạm quyền tự do của công dân hay không và liệu tác hại mà lệnh cấm gây ra có đủ nghiêm trọng để tòa án phải đình chỉ quy định này hay không.
Tuy nhiên, ngay trước phán quyết của tòa án, việc cấm mặc burkini đã gây ra các phản ứng trái chiều trong xã hội, đặc biệt sau khi có những phụ nữ Hồi giáo đầu tiên bị phạt vì “hành vi không phù hợp với tập quán” tại Pháp./.