Thế giới 24h: Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích IS trả đũa vụ đánh bom đám cưới
VOV.VN - Thổ Nhĩ Kỳ đã pháo kích IS ở miền Bắc Syria nhằm trả đũa cho vụ đánh bom khủng bố một đám cưới ở nước này khiến ít nhất 50 người thiệt mạng.
1. Kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ NTV cho biết, các khẩu pháo tự hành của Thổ Nhĩ Kỳ liên tục nã pháo vào các vị trí của IS gần Jarablus và của lực lượng dân quân người Kurd gần Manbij.
Một cuộc pháo kích của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào IS tại Syria. Ảnh: Reuters
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, các đợt tấn công nói trên là nhằm mở ra một hành lang để quân đội nước này có thể tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại IS và nhóm dân quân người Kurd ở Syria.
Ankara từng tuyên bố sẽ “quét sạch” các phần tử khủng bố IS khỏi khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ sau khi xảy ra vụ đánh bom khủng bố nhằm vào một đám cưới tại quận Sahinbey, thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 54 người thiệt mạng. Nghi phạm thực hiện vụ đánh bom nói trên được cho là một thiếu niên khoảng 12-14 tuổi.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định, đây là vụ đánh bom đẫm máu nhất tại nước này từ đầu năm đến nay và cáo buộc IS đứng đằng sau vụ này.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh: “IS cần phải bị quét sạch hoàn toàn khỏi khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi sẵn sàng làm mọi thứ để hiện thực hóa điều này”.
Thổ Nhĩ Kỳ thề “quét sạch IS” ra khỏi bờ cõi sau vụ đánh bom đám cưới
2. Ukraine đã bắt đầu điều tra hình sự đối với 20 quan chức cấp cao của Nga trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.
CSM dẫn lời Tổng Công tố Ukraine Yuriy Lutsenko ngày 22/8 cho biết, những quan chức này bị cáo buộc dính líu đến những hành động gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nằm trong diện bị truy nã của Ukraine. Ảnh: AP |
Giới chức Ukraine cũng đã phát lệnh truy nã đối với những quan chức trên, trong đó đáng chú ý có Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cùng cố vấn kinh tế tại Điện Kremlin Sergei Glazyev và một cựu đặc phái viên của Tổng thống Nga Putin về vấn đề Crimea.
Tuyên bố trên của ông Lutsenko được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Putin cáo buộc Chính phủ Ukraine tìm cách phá hoại thỏa thuận hòa bình Minsk cũng như cài cắm điệp viên của nước này vào Crimea để tiến hành các hoạt động khủng bố.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã gia tăng nhanh chóng sau cáo buộc của ông Putin về âm mưu tấn công khủng bố của giới chức Ukraine tại bán đảo Crimea hồi đầu tháng 8 vừa qua.
Nga đề xuất lập cơ chế ngăn chặn sự cố giữa máy bay Mỹ và Syria
3. Tỷ phú Mỹ Donald Trump ngày 22/8 lên tiếng yêu cầu gia đình Clinton phải đóng cửa ngay lập tức quỹ nhân đạo do họ sáng lập.
Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi một tổ chức giám sát vừa công bố nhiều email mới cho thấy các quan chức điều hành Quỹ Clinton đã đòi hỏi nhiều đặc quyền cho các nhân viên của bà Hillary Clinton trong thời gian bà còn là Ngoại trưởng Mỹ.
Quỹ Clinton đang bị nghi ngờ dành nhiều đặc quyền cho các nhà tài trợ cho quỹ này nhất là trong thời gian bà Clinton còn là Ngoai trưởng Mỹ. Ảnh AP |
“Yêu cầu số 1, họ phải đóng cửa ngay quỹ này và số 2, họ cần chuyển trả số tiền tài trợ cho quỹ này từ các quốc gia mà chúng ta không nên nhận tài trợ”, ông Trump yêu cầu.
“Đó là các quốc gia có thể gây tác động hoàn toàn lên bà Clinton cũng như các quốc gia có những hành động phân biệt đối với phụ nữ, những người đồng tính hay bất kỳ đối tượng nào khác. Tôi cho rằng, gia đình Clinton cần trả lại tiền cho những quốc gia này chứ không nên giữ lại số tiền đó”, ông Trump nói thêm.
Những người tham gia vận động cho bà Clinton đã lên tiếng cáo buộc tổ chức Judicial Watch- đơn vị công bố số email nói trên- là cố tình đánh lạc hướng dư luận.
Người phát ngôn của bà Clinton, ông Josh Schwerin nhấn mạnh: “Dù nhóm này có cố tình làm sai lệch tài liệu này như thế nào thì sự thật vẫn là khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton chưa bao giờ có những hành động gì tác động đến việc gây quỹ của Quỹ Clinton”.
Trước đó, Quỹ Clinton cũng tuyên bố sẽ không nhận tiền tài trợ từ các tập đoàn nước ngoài nếu bà Clinton được bầu là Tổng thống Mỹ và sẽ chuyển toàn bộ các chương trình hoạt động ở nước ngoài cho các tổ chức độc lập.
Clinton: Tin đồn sức khỏe của tôi là “chiến thuật lập dị” của Trump
4. Tình trạng bạo lực nhằm vào cộng đồng người Hoa tại Pháp tăng gấp 3 trong vòng một năm qua, với khoảng 700 vụ.
Ngày 21/8, khoảng 2.000 người gốc Trung Quốc đã tập trung biểu tình tại Aubervilliers (Seine-Saint-Denis) thuộc ngoại ô thủ đô Paris của Pháp nhằm phản đối các vụ bạo lực nhằm vào cộng đồng xảy ra liên tiếp thời gian gần đây.
Người Trung Quốc tại Pháp biểu tình sau khi diễn ra các vụ bạo lực nhằm vào cộng đồng người Hoa ở Paris. Ảnh AFP |
Nghiêm trọng nhất mới đây vào ngày 7/8, một đầu bếp người Hoa 49 tuổi bị bọn lưu manh đánh trọng thương dẫn đến tử vong , làm dấy lên lo ngại về an ninh đối với người Hoa nói riêng, người gốc châu Á nói chung tại Pháp.
Những người biểu tình mang theo hình nạn nhân cùng nhiều khẩu hiệu biểu thị sự phẫn nộ trước các hành vi bạo lực nhằm vào cộng đồng và đòi được bảo đảm an toàn.
Trước đó, ngày 17/8, đại diện các tổ chức thuộc cộng đồng người Hoa tại Pháp đã có cuộc gặp tại tòa thị chính Aubervilliers để thảo luận những giải pháp chấm dứt tình trạng tấn công ngày càng nặng nề nhằm vào người gốc Hoa nói riêng, người châu Á nói chung trên địa bàn.
Aubervilliers là một trong những nơi có đông người Hoa sinh sống ở ngoại ô Paris, với khoảng 3.000-4.000 người trên tổng số 80.000 dân của thành phố này. Đây cũng là khu vực tập trung nhiều cộng đồng nhập cư khác từ Trung Đông, châu Phi. Tình hình an ninh nơi đây rất phức tạp. Các tệ nạn xã hội, đặc biệt là nạn cướp giật xảy ra thường xuyên.
5. Các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp ngày 22/8 đã đến Italy để thảo luận vấn đề di cư, hợp tác an ninh, và cách duy trì đề án thống nhất châu Âu.
Châu Âu lo lắng giải quyết hậu quả vụ Brexit. Ảnh minh họa: AFP |
Cuộc họp diễn ra trên một tàu khu trục ở ngoài khơi đảo Ventotene của Italy. Đây là vòng hội đàm thứ hai giữa thủ tướng của 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro kể từ khi nước Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (Brexit).
Thủ tướng Italy Matteo Renzi cùng với Thủ tướng Đức Angela Markel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ra lời kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh và tạo cơ hội tốt hơn cho giới trẻ.
Cuộc họp giữa 3 nhà lãnh đạo của 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 9 tới về những tác động từ việc nước Anh rời EU.
Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch đưa ra các sáng kiến với các chính phủ các nước châu Phi nhằm giảm dòng người di cư đang đổ vào châu Âu nhưng những bất đồng về cách thức xử lí đang gây chia rẽ giữa các nước thành viên EU.
Tương lai nào cho châu Âu hậu Brexit?