Thế giới 7 ngày: "Lửa chiến tranh" nhen nhóm tại Trung Đông?

(VOV) - Căng thẳng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ có thể thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh và cuốn khu vực Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực.

Căng thẳng đang gia tăng từng ngày giữa hai quốc gia láng giềng đã từng có thời là đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Tiếp sau các vụ bắn pháo trả đũa nhau giữa hai bên tại khu vực biên giới, trong tuần qua, dư luận thế giới lại chứng kiến mối quan hệ giữa hai quốc gia này tiếp tục xấu đi khi ngày 10/10, các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đã áp sát và buộc một máy bay dân sự của Syria đang bay từ Moscow (Nga) đến Damascus (Syria) phải hạ cánh khẩn cấp xuống thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiếc máy bay này sau đó đã được phép cất cánh theo hành trình đã định sau khi lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra và tịch thu một số hàng hóa trên máy bay. Phát biểu với báo giới tại Ankara, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói rằng, chiếc máy bay của Syria đã chở các thiết bị quân sự do Nga sản xuất. Tuy nhiên, Syria đã ngay lập tức lên tiếng bác bỏ tuyên bố trên của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí, Giám đốc Hãng Hàng không quốc gia Syria Ghaida Abdulatif nêu rõ, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ chiếc máy bay của hãng hàng không Syria một ngày trước đó và có các hành động ngược đãi đội bay, là một hành động thù địch.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 12/10 cũng nói rằng chiếc máy bay của Syria bị buộc phải hạ cánh tại Thổ Nhĩ Kỳ vài ngày trước không hề chở theo vũ khí mà chỉ chở các trang thiết bị cài đặt radar và việc vận chuyển này là hợp pháp. Phía Nga cũng đã hoãn chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Putin sau khi xảy ra vụ việc trên.

Dư luận dự đoán căng thẳng giữa hai nước sẽ không sớm được giải quyết khi ngày 13/10, Chính phủ Syria đã ban hành lệnh cấm máy bay dân sự Thổ Nhĩ Kỳ bay qua lãnh thổ Syria. Trong ảnh: Chiếc máy bay Syria bị buộc hạ cánh và kiểm tra tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AFP).

Ngày 11/10 (theo giờ Mỹ), Phó Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ và Hạ nghị sĩ P. Ryan của đảng Cộng hòa đã có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên và cũng là duy nhất giữa hai ứng cử viên Phó Tổng thống. 

Theo kết quả thăm dò ý kiến do kênh truyền hình CNN thực hiện, 48% cử tri theo dõi cuộc tranh luận cho rằng ông Paul Ryan đã chiến thắng, trong khi 44% có ý kiến tương tự đối với Phó Tổng thống Biden.

Kết quả bất phân thắng bại này khiến sức ép sẽ tiếp tục gia tăng đối với Tổng thống Barack Obama và cựu Thượng nghị sỹ Mitt Romney khi hai ứng cử viên tổng thống gặp lại nhau trong vòng tranh luận trực tiếp thứ 2 tại New York vào tuần tới. Trong ảnh: Đương kim Phó Tổng thống Joe Biden (phải) và Hạ nghị sĩ P. Ryan tại cuộc tranh luận ngày 11/10 (Ảnh: AP).

Ngày 8/10, kết quả bầu cử Tổng thống Venezuela đã được công bố theo đó, đương kim Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã tái đắc cử. Ông Chavez sẽ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ mới vào ngày 10/1/2013 và điều hành đất nước Nam Mỹ có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ này tới năm 2019.

Như vậy, với sự tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 3 của ông Hugo Chavez đã phản ánh nguyện vọng của đa số người dân đang hướng về tinh thần của cuộc cách mạng Bolivar - hướng về một tương lai tốt đẹp của Chủ nghĩa Xã hội hiện đại của thế kỷ XXI mà các nhà xã hội chủ nghĩa cánh tả Mỹ Latin đang theo đuổi. Trong ảnh: Tổng thống Hugo Chavez phát biểu sau khi giành chiến thắng (Ảnh: AP).

Sáng 12/10 tại Tokyo (Nhật Bản), các hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) chính thức khai mạc. Với sự tham dự của quan chức cấp cao phụ trách ngành ngân hàng, tài chính và các chuyên gia đến từ 188 nước thành viên, các hội nghị năm nay tập trung thảo luận về các giải pháp khôi phục kinh tế toàn cầu.

Phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhấn mạnh, IMF muốn tạo ra một nền tảng để các nền kinh tế, từ mới nổi ở các thị trường đang phát triển đến truyền thống ở các thị trường phát triển, có thể tìm ra cách thức tham gia tích cực, đồng thời tạo ra những điều kiện có lợi cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Trước ngày khai mạc, IMF đã giảm dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012 xuống 3,3% so với mức dự báo 3,5% trước đó, với lý do quá trình hồi phục diễn ra yếu hơn dự kiến. Trong ảnh: Hội nghị thường niên giữa IMF và WB tại Tokyo (Ảnh: Reuters).

Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura ngày 12/10 khẳng định, Nhật Bản không thay đổi chính sách đơn phương đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ đối với hai đảo thuộc quần đảo Takeshima/Dokdo, ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague - Hà Lan. Hiện Nhật Bản đang trong giai đoạn cuối cùng của việc chuẩn bị trình vấn đề tranh chấp lãnh thổ này lên Tòa án Công lý Quốc tế, có thể vào cuối tháng 10 tới.

Cũng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, Nhật Bản và Trung Quốc đã quyết định khôi phục đối thoại. Sau cuộc đàm phán sơ bộ tại Tokyo ngày 12/10 vừa qua, Trung Quốc và Nhật Bản đã quyết định khởi động vòng tham vấn mới giữa đại diện bộ Ngoại giao 2 nước. Động thái này được dư luận đánh giá có thể hạ nhiệt mối quan hệ vốn căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn ở châu Á thời gian qua. Trong ảnh: Chuỗi đảo tranh chấp Takeshima/Dokdo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc (Ảnh: AP).


Chiều 12/10, Ủy ban Giải Nobel Nauy thông báo, Liên minh châu Âu (EU) đã đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2012 vì đã duy trì được khối đoàn kết thống nhất tại châu Âu. Tại buổi lễ thông báo ở Oslo, Chủ tịch Ủy ban giải Nobel Thorbjoern Jagland nói rằng, EU đã “chuyển đổi châu Âu từ một châu lục gồm các cuộc chiến tranh thành châu lục hòa bình”. Ủy ban Nobel Nauy đánh giá cao những nỗ lực của EU trong việc tái thiết kinh tế sau chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Tuy nhiên, việc trao giải Nobel Hòa bình cho EU đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cho rằng quyết định trao giải thưởng hòa bình năm 2012 cho Liên minh châu Âu là tiếp tục hạ giá trị của giải thưởng danh giá này. 

Giám đốc Quỹ Hòa bình Nga đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) Leonid Slusky đánh giá việc trao giải thưởng hòa bình cho Liên minh châu Âu là "không đúng chuẩn mực". Trong khi đó, Tổ chức kiến tạo hòa bình Thụy Điển cũng phê phán quyết định trao giải thưởng cho Liên minh châu Âu. Trong ảnh: Cờ của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu trước trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp (Ảnh: Reuters).


Trung Quốc tiếp tục phản pháo dữ dội một bản báo cáo của Quốc hội Mỹ cho rằng 2 công ty Trung Quốc đe dọa an ninh nước Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 9/10 cảnh báo rằng báo cáo trên sẽ làm tổn hại quan hệ giữa 2 nước, đồng thời cáo buộc Mỹ “đã vi phạm các nguyên tắc thị trường tự do mà nước này đã theo đuổi từ lâu và sẽ phá hoại sự hợp tác giữa 2 quốc gia”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và hãng thông tấn chính thức của nước này cũng đã phản đối bản báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ hối thúc các công ty Mỹ loại bỏ các đối tác Trung Quốc là Công ty kỹ thuật Hoa Vi và Công ty viễn thông Trung Hưng (ZTE). Trong ảnh: Người Mỹ đang lo ngại các thiết bị viễn thông Trung Quốc (Ảnh: hackreports).

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên