Thế giới Arab và Hồi giáo hoan nghênh nghị quyết yêu cầu Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ Palestine
VOV.VN - Ngày 18/9, Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) đã thông qua Nghị quyết yêu cầu Israel chấm dứt sự hiện diện bất hợp pháp tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng trong vòng 12 tháng. Nghị quyết đã được nhiều quốc gia trên thế giới hoan nghênh, trong đó, nhiều tổ chức và quốc gia thuộc Thế giới Arab và Hồi giáo đã ủng hộ.
Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đánh giá, đây là Nghị quyết mang tính lịch sử, phản ánh sự đồng thuận quốc tế đối với sự nghiệp và các quyền hợp pháp người Palestine, bao gồm quyền tự quyết và thành lập một nhà nước độc lập, có chủ quyền trong phạm vi biên giới năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô.
OIC kêu gọi tất cả các quốc gia hoàn thành trách nhiệm của mình trong việc yêu cầu Israel tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp và các nghị quyết quốc tế liên quan, tái khẳng định vấn đề Palestine là ưu tiên trong chương trình nghị sự và các nỗ lực chính trị của tổ chức này, đặc biệt là trong kỳ họp thứ 79 của UNGA.
OIC cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc triệu tập một hội nghị quốc tế để thực hiện các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc về Palestine và giải pháp hai nhà nước, như một phần trong nỗ lực toàn cầu rộng lớn hơn nhằm đạt được hòa bình lâu dài tại khu vực.
Tổng thư ký Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) Jasem Al-Budaiwi hoan nghênh Nghị quyết, cho biết việc Israel mở rộng khu định cư là bất hợp pháp và không được công nhận ở cấp độ khu vực và quốc tế. Người đứng đầu GCC nhấn mạnh sự cần thiết của cộng đồng quốc tế trong việc đảm nhận trách nhiệm thực thi Nghị quyết, đồng thời nhắc lại lập trường kiên định của các quốc gia thành viên GCC về sự nghiệp của người Palestine.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ra tuyên bố bày tỏ sự hoan nghênh của vương quốc này đối với việc thông qua Nghị quyết, nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các bước cụ thể và đáng tin cậy để đạt được một giải pháp công bằng và toàn diện cho sự nghiệp của người Palestine theo “Sáng kiến Hòa bình của người Arab” và các nghị quyết quốc tế liên quan.
Bộ Ngoại giao Qatar cho rằng, việc thông qua nghị quyết của đa số 124 quốc gia đã phản ánh rõ ràng sự chính nghĩa của người Palestine, thể hiện sự công nhận rộng rãi của quốc tế đối với quyền tự quyết của người dân Palestine như một quyền tự nhiên, hợp pháp và lịch sử, đồng thời bày tỏ hy vọng tất cả các quốc gia sẽ tuân thủ nghĩa vụ của mình theo luật pháp và các nghị quyết quốc tế liên quan.
Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh, việc thông qua nghị quyết bằng đa số phiếu cho thấy sự ủng hộ đáng kể của quốc tế trong việc chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với các vùng lãnh thổ của người Palestine và các hành động phi pháp của nước này, đánh giá cao tầm quan trọng của những nỗ lực quốc tế nhằm khôi phục các quyền hợp pháp của người dân Palestine và thúc đẩy giải pháp hai nhà nước.
Nghị quyết yêu cầu Israel chấm dứt sự hiện diện bất hợp pháp tại các vùng lãnh thổ Palestine là nghị quyết đầu tiên được chính quyền Palestine chính thức đưa ra, kể từ khi họ giành được một ghế tại các cuộc họp của UNGA và được quyền đề xuất dự thảo nghị quyết. Cộng đồng quốc tế đánh giá, đây là một thắng lợi chính trị, cũng như là “bước ngoặt” trong cuộc đấu tranh giành tự do và công lý của người Palestine.