Thế giới hoan nghênh Libya bầu chính quyền chuyển tiếp lâm thời
VOV.VN - Thông qua đối thoại, dưới sự dẫn dắt của Liên Hợp Quốc, 2 bên đối địch chính tại Libya cuối cùng cũng thành lập được chính quyền chuyển tiếp, điều hành đất nước trước khi tổ chức bầu cử vào tháng 12 tới.
Thế giới 2 ngày nay đã đồng loạt lên tiếng hoan nghênh về bước tiến lịch sử này. Tại Diễn dàn đối thoại chính trị Libya ngày 5/2 ở Geneve, Thụy Sĩ, ông Mohammad Younes Menfi đã được bầu làm người đứng đầu Hội đồng Tổng thống gồm 3 người; và ông Abdul Hamid Mohammed Dbeibah làm Thủ tướng lâm thời.
Theo Quyền Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Libya, bà Stephanie Williams, Thủ tướng lâm thời Libya sẽ có 21 ngày để thành lập chính phủ để Quốc hội Libya thông qua và mục tiêu của chính phủ lâm thời là hòa giải dân tộc, tổ chức bầu cử đúng theo kế hoạch.
“Một trong những nhiệm vụ chính của chính phủ mới là hòa giải dân tộc. Đã có nhiều cuộc đối thoại khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng lòng tin trong tiến trình chính trị, để hướng tới một cuộc bầu cử. Năm 2020, tại Geneve hàng nghìn người đại diện của Libya đã tham gia đối thoại, trong đó 77% trong số họ muốn tổ chức bầu cử vào ngày 24/12 năm nay. Đó là điều quan trọng nhất mà chính phủ lâm thời cần phải tập trung làm trước mắt”, bà Stephanie Williams nói.
Cả hai bên đối địch chính tại Libya là chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya được quốc tế công nhận và lực lượng miền Đông do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo đều đã lên tiếng ủng hộ kết quả thành lập được Hội đồng Tổng thống và Thủ tướng lâm thời.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Ai Cập – 2 quốc gia đều ủng hộ lực lượng miền Đông Libi trong chiến tranh, cũng đã công khai ủng hộ bước tiến mới tại Libya.
Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan – quốc gia cùng với Qatar ủng hộ chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libi, hôm qua (6/2) cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng lâm thời Libya và người đứng đầu Hội đồng Tổng thống để chúc mừng. Ông Erdogan khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đóng góp hòa bình, an ninh cho Libya.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hi vọng quốc tế và các bên Libya ủng hộ Hội đồng Tổng thống và Thủ tướng lâm thời nước này; kêu gọi các lực lượng lính đánh thuê nước ngoài rời khỏi quốc gia Bắc Phi này.
“Điều cần thiết là tất cả các chiến binh và lính đánh thuê nước ngoài phải di chuyển đến Tripoli và Benghazi, sau đó rời khỏi đất nước theo lịch trình đã được xác định. Và điều quan trọng nữa là mọi người phải hợp tác với chính quyền mới để hòa bình diễn ra ở Libya. Thực tế lệnh ngừng bắn đã và đang được duy trì, ngay cả với sự hiện diện quân sự đông đảo và trang bị hạng nặng của cả hai bên, là một tín hiệu của hy vọng. Tôi tin rằng nhiệm vụ của mọi người là làm mọi thứ có thể để biến hy vọng đó thành hiện thực", ông Antonio Guterres nói.
Các nước Arab khác trong khu vực như Saudi Arabia và Algeria cũng đã lên tiếng ủng hộ các bước tiến triển tại Libya .
Trong khi đó, người dân Libya cũng hi vọng bước tiến chính trị lịch sử này này sẽ mang lại sự ổn định cho đất nước sau 10 năm xung đột, chiến tranh và khủng bố tàn phá:
“ Tôi hi vọng các cuộc bầu cử sẽ mang lại sự ổn định cho đất nước và chấm dứt chiến tranh, đoàn kết đất nước và mang đến những điều tốt lành”.
“Chính phủ lâm thời sẽ có 10 tháng để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới và tôi hi vọng vào các cuộc bầu cử này sẽ mang lại sức sống cho đất nước vốn đã quá mệt mỏi vì xung đột”./.