Thế giới nỗ lực phục hồi kinh tế, học cách “sống chung với Covid-19”
VOV.VN - Kinh tế thế giới có những dấu hiệu tăng trưởng trở lại sau thời gian suy giảm nghiêm trọng vì tác động của dịch Covid-19.
Nhiều nước đang tăng tốc việc tái mở cửa nền kinh tế nhưng khi chưa có vaccine phòng bệnh hiệu quả, khả năng kinh tế hồi phục rất bấp bênh. Xác định "học cách sống chung” với virus, các nước đang đưa ra những chiến lược để phục hồi.
Việc hầu hết các quốc gia trên thế giới phải đóng cửa nhiều nhà máy và yêu cầu người dân cách ly tại nhà đã gây thiệt hại cho chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Một bài học lớn rút ra là phải cơ cấu lại nền kinh tế có khả năng thích nghi tốt, tránh quá lệ thuộc vào nguồn cung ứng từ nước ngoài. Liên minh châu Âu (EU) hôm qua (9/9) tuyên bố muốn tái cơ cấu nền kinh tế để trở nên độc lập hơn với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, nhất là lĩnh vực sản xuất thuốc chữa bệnh và chế biến.
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, chiến lược kinh tế của EU trong thế kỷ này là tự lực về các mặt hàng thiết yếu: “Chiến lược của EU sẽ tăng cường sự độc lập, khả năng tiếp cận mọi nguồn lực cần thiết để đảm bảo sự sung túc của người dân. Điều đó phải bao gồm sự tự lực lớn hơn trong lĩnh vực chế biến, y tế, và các mặt hàng thiết yếu khác. Tôi xin nhắc lại châu Âu cần có sự tự chủ chiến lược về kinh tế, đó là mục tiêu mới mà châu Âu phấn đấu trong thế kỷ này. 70 năm sau ngày thành lập, quyền tự chủ kinh tế sẽ là mục tiêu số một của thế hệ chúng ta”.
Pháp và các nước trong EU đang ngày càng lo ngại về chuỗi cung ứng cho kinh tế châu Âu sau khi dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 2 dẫn tới việc đóng cửa nhiều cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, nơi sản xuất tới 80% nguyên liệu, hoạt chất cho sản xuất dược phẩm và linh kiện ngành ôtô.
Tổng thống Mỹ cũng đã hơn một lần nêu ý tưởng tách rời nền kinh tế ra khỏi Trung Quốc, bởi những thiệt hại do chuỗi cung ứng bị phá vỡ khi xảy ra đại dịch. Ông tuyên bố cần “biến nước Mỹ trở thành siêu cường sản xuất chế tạo của thế giới và cuối cùng chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc”'.
Hồi tháng 6/2020, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin từng nói rằng chuyện phân ly kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra nếu các công ty Mỹ không được phép cạnh tranh trên nền tảng công bằng ở Trung Quốc. Nhưng theo giới phân tích, hai nền kinh tế Mỹ - Trung có mối liên hệ chặt với nhau đến mức việc phân ly là điều không thể. Tuy nhiên, Mỹ chỉ có thể tiếp tục gây sức ép lên Bắc Kinh để cân bằng sân chơi và giảm lệ thuộc khi xảy ra các biến cố như dịch bệnh.
Khi các quốc gia nới lỏng phong tỏa và các doanh nghiệp toàn cầu hoạt động trở lại thì các chỉ số sản lượng, tiêu thụ và việc làm đều bắt đầu hồi phục. Những biện pháp hỗ trợ trên quy mô lớn và nhanh chóng của các chính phủ như Đức, Nhật Bản, Pháp trong thời gian qua cũng đã giúp tăng khả năng chống chọi của nền kinh tế và tiếp sức cho giai đoạn hồi phục ban đầu. Tuy nhiên, các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lưu ý, các chính phủ nên tiếp tục hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp vì "bản chất chưa từng có tiền lệ" của cuộc khủng hoảng lần này có thể đẩy làn sóng phá sản và mất việc làm lên cao.
Cuộc khủng hoảng còn kéo dài, khả năng hồi phục vẫn còn rất mong manh và không đồng đều giữa các vùng và các lĩnh vực, do đó, để đảm bảo duy trì đà hồi phục, điều quan trọng là các quốc gia phải tránh chấm dứt các chính sách hỗ trợ kinh tế quá sớm. Các doanh nghiệp, kể cả cơ sở đã vỡ nợ, vẫn cần được nhận hỗ trợ để tránh nguy cơ mất đi hàng triệu việc làm.
Những biện pháp mà chuyên gia kinh tế khuyến nghị là mua cổ phần của các công ty hoặc cung cấp các gói trợ cấp để đổi lại những mức thuế cao hơn trong tương lai. Nhưng các chính phủ cũng cần cảnh giác trong cách phân bổ nguồn lực hỗ trợ vốn đang trong giai đoạn khan hiếm và tỉnh táo nhận định một số ngành nghề khó “sống sót" ngay sau thời kỳ hậu dịch.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng trong bối cảnh cả thế giới có chung mong muốn mở cửa lại nền kinh tế và cuộc sống sớm trở lại bình thường, thế giới cần đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau, nhất là trong việc tiếp cận vaccine.
Ông Adhanom Ghebreyesus nói: “Chúng ta muốn thấy trẻ em quay trở lại trường học, mọi người trở lại công sở và chúng ta muốn điều đó diễn ra an toàn nhất có thể, Nhưng khi chúng ta gây dựng lại, chúng ta đang đứng trước cơ hội, có nên quay trở lại thế giới phân cực của giàu và nghèo. Hãy cùng nhau xây dựng một thế giới công bằng, bền vững và kiên cường hơn. Lĩnh vực tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục, khi chúng ta cùng nhau xây dựng các nền kinh tế và xã hội có khả năng thích nghi tốt hơn với các biến động”./.