Thế giới nỗ lực tìm kiếm giải pháp phục hồi sau đại dịch Covid-19
VOV.VN - Covid-19 vốn đã khiến gần 1,5 triệu người thiệt mạng, các nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, hàng chục triệu người thất nghiệp, mất việc làm ở cả các nước giàu và nghèo...
Trong ngày 3-4/12, Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Covid-19 diễn ra với sự góp mặt của hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới và Bộ trưởng các nước. Đại biểu các nước lần lượt sẽ có các bài phát biểu nhằm thảo luận về kinh nghiệm phản ứng của toàn cầu đối với dịch bệnh, cũng như cùng nhau tìm ra con đường tốt nhất để phục hồi sau đại dịch.
Phép thử cho chủ nghĩa đa phương
Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, hội nghị lần này được đánh giá là một phép thử nữa cho chủ nghĩa đa phương cũng như vai trò của Liên Hợp Quốc trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu.
Mục đích của sự kiện này đó là thảo luận những hậu quả của đại dịch, chia sẻ các kinh nghiệm ứng phó với Covid-19 và cố gắng tìm ra định hướng cho tương lai với sự đoàn kết và phối hợp của các nước.
Trong thời gian qua, trên thực tế các thành viên Liên Hợp Quốc chưa có được một giải pháp thực sự hiệu quả trong việc thúc đẩy hợp tác, phối hợp giữa các thành viên trong công tác ứng phó với dịch bệnh, vẫn còn có những chia rẽ và tranh cãi trong vấn đề này như giữa Mỹ và Trung Quốc, hai điểm nóng Covid-19 lớn trên thế giới.
Nỗ lực kêu gọi chung tay nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa Covid-19 cũng chưa phát huy được hiệu quả khi chưa có tiến triển đáng kể nào được ghi nhận trong khi hầu hết các tín hiệu tích cực trong lĩnh vực này chủ yếu đến từ các công ty tư nhân ở các quốc gia đơn lẻ.
Chính vì vậy, trong bối cảnh một số vaccine thử nghiệm có hiệu quả cao và có thể sẽ được phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp trong thời gian tới, vai trò của Liên Hợp Quốc lại càng trở nên quan trọng trong việc kêu gọi các nước phát triển góp phần cung cấp vaccine cho các nước kém phát triển hơn trên cơ sở công bằng cũng như tham gia điều phối và phân bổ vaccine để cùng một mục đích chung là dập tắt dịch bệnh và giúp các nước khắc phục các hậu quả. Do vậy, hội nghị đặc biệt về Covid-19 lần này chính là một dịp nữa để Liên Hợp Quốc khẳng định và phát huy vai trò của mình trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu.
Những bài phát biểu đáng chú ý
Covid-19, chủ đề của hội nghị, đã thu hút sự quan tâm và tham gia phát biểu của nguyên thủ của rất nhiều nước bao gồm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam, nước đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong ứng phó với Covid-19 trong thời gian qua.
Nội dung của hầu hết các bài phát biểu đều nhằm chia sẻ những kinh nghiệm ứng phó với Covid-19.
Lãnh đạo các nước đều cho rằng ứng phó với Covid-19 cần phải toàn diện và lâu dài vì dịch bệnh sẽ không thể sớm chấm dứt. Có ý kiến cho rằng cần tập trung nỗ lực chống dịch trong thời điểm mùa Đông khi Covid-19 có thể bùng phát trở lai và việc mở cửa lại các hoạt động kinh tế vẫn cần đảm bảo thực hiện công tác phòng tránh lây nhiễm nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân.
Ngoài ra, không chỉ mở cửa lại nền kinh tế, các nước cũng cần đảm bảo tiếp tục tập trung cho giáo dục và trường học khi dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý của trẻ nhỏ khi không được tới trường học trực tiếp. Một số nước cũng nhân dịp này để nhấn mạnh sự cần thiết phải đối phó với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo sự phát triển của mỗi nước.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày và nội dung của ngày 4/12 (theo giờ Mỹ) sẽ cụ thể và thiết thực hơn khi sẽ có những phiên thảo luận về các chủ đề bao gồm ứng phó Covid-19 của hệ thống Liên Hợp Quốc, quá trình phát triển, sản xuất và phân phối vaccine, và các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế, xã hội do đại dịch gây ra nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc sẽ tác động đến các nỗ lực đa phương?
Chương trình hội nghị không hề có nội dung về một hành động chính trị nào liên quan tới Covid-19 và cũng không có một tuyên bố chung được dự kiến đưa ra sau hội nghị. Những yếu tố mà chị vừa nói đúng là có những tác động nhất định đối với các nỗ lực đa phương trong ứng phó với Covid-19.
Thứ nhất đó là những nước lớn vẫn tập trung cho lợi ích riêng của mình, điển hình là trong nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa Covid-19. Cuộc chạy đua bào chế vaccine đã diễn ra trong suốt thời gian qua và nước cán đích đầu tiên chắc chắn sẽ giành được nhiều lợi ích bao gồm việc củng cố hình ảnh và tăng cường tầm ảnh hưởng của mình. Cuộc chạy đua vaccine ngừa Covid-19 hiện nay đang chỉ là cuộc chơi của các nước lớn.
Thứ hai đó là, Mỹ và Trung Quốc, ngoài tranh cãi xung quanh nguồn gốc của virus còn đang căng thẳng trong nhiều lĩnh vực khác, đây là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và có tầm ảnh hưởng rất lớn tới những nước khác nên căng thắng giữa hai cường quốc này sẽ kéo theo hệ lụy là thế giới sẽ khó đoàn kết và các nỗ lực đa phương sẽ khó có thể trở thành hiện thực.
Chính vì vậy, hội nghị này được tổ chức với một trong những mục đích đó là thảo luận cách thức hệ thống đa phương có thể phối hợp thế nào với các chính phủ và đối tác tư nhân trong việc đảm bảo tiếp cận và phân phối công bằng vaccine ngừa Covid-19 cũng như có các nguồn tài chính nào để giúp thực hiện điều này. Do đó, hội nghị này đúng như chị đề cập lúc ban đầu là một phép thử nữa cho chủ nghĩa đa phương và vai trò của Liên Hợp Quốc trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu./.