Thế giới phản ứng việc Palestine được nâng cấp quy chế
(VOV)-Trong khi Mỹ, Israel phản đối LHQ cấp quy chế nhà nước quan sát phi thành viên cho Palestine thì Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh quyết định này
Tại cuộc bỏ phiếu vào rạng sáng 30/11 (theo giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) đã chấp thuận cho nâng cấp từ địa vị “thực thể quan sát viên” lên “nhà nước quan sát viên”, công nhận nhà nước Palestine với đường biên giới năm 1967. Đây được coi thắng lợi lịch sử của Palestine.
Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, hàng nghìn người dân Palestin ở Bờ Tây và Dải Gaza, đã đổ ra đường ăn mừng sự kiện lịch sử này. Những hồi chuông nhà thờ được rung lên và pháo hoa ngập tràn thành phố Bethlehem.
Chính quyền Palestine cũng đã cho phép trẻ em và công chức nghĩ nửa ngày để tham gia các hoạt động chúc mừng sự kiện này.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu tại Liên Hợp Quốc. (Ảnh: AP) |
Nhiều quốc gia cũng đồng loạt lên tiếng hoan nghênh kết quả bỏ phiếu. Phát biểu trước ĐHĐ LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho rằng, việc nâng cấp quy chế cho Palestine tại LHQ sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi Palestine và Israel cùng nỗ lực xây dựng một nền hòa bình chung: “Tôi kêu gọi các bên cam kết thỏa thuận một nền hòa bình. Tôi cũng kêu gọi các bên hành động một cách có trách nhiệm bảo tồn những thành tựu xây dựng nhà nước dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Abbas và Thủ tướng Fayyad và tăng cường các nỗ lực hướng tới hòa giải hòa bình lâu dài”.
Sau cuộc bỏ phiếu, Ngoại trưởng Palestine Al-Maliki cho rằng, giờ đây cơ hội hòa bình đang nằm trong tay của Israel. Theo Ngoại trưởng Al-Maliki, Palestine có kiện Israel lên tòa án hình sự quốc tế về tội ác chống lại loài người của Israel hay không phụ thuộc vào cách hành xử của nước này trong thời gian tới.
“Tôi hy vọng Israel hiểu rằng, thời thế đã thay đổi. Chúng tôi sẽ để Israel có thời gian để họ thay đổi các chính sách và hành động của mình. Nếu họ hành xử dựa trên luật pháp quốc tế thì chúng tôi cũng không phải kiện họ lên bất cứ tổ chức nào” - Ngoại trưởng Palestine Al-Maliki nói.
Đối với nội bộ Palestine, việc LHQ trao quy chế nhà nước quan sát viên của cho Palestine thể hiện thái độ nhìn nhận của cộng đồng quốc tế đối với Tổng thống Mahmoud Abbas. Tuy nhiên, đối với Palestine phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, bởi mặc dù nghị quyết được đa số thành viên thông qua nhưng vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Mỹ và Israel.
Bất chấp sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, Mỹ và Israel vẫn chỉ trích kết quả bỏ phiếu tại ĐHĐ LHQ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ trích cuộc bỏ phiếu của ĐHĐ LHQ nâng cấp qui chế cho Palestine là một hành động “không thích hợp và phản tác dụng” có thể gây trở ngại cho con đường tiến tới hòa bình.
Bà Clinton nói:“Chúng tôi xin khẳng định rằng chỉ có đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine mới có thể mang lại hòa bình và những gì người dân hai nước đáng được hưởng. Đó là một nhà nước Palestine độc lập và chủ quyền, sống hòa bình và an ninh bên cạnh một nhà nước Do thái Israel dân chủ”.
Sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Israel Netanyahu cho rằng, động thái của LHQ là vi phạm những thỏa thuận giữa Israel và Palestine, Israel sẽ có hành động đáp trả.
“Quyết định tại LHQ thực tế sẽ không thay đổi được gì. Những nỗ lực này không giúp thúc đẩy việc hình thành một nhà nước Palestine trong tương lai. Israel luôn mong muốn hòa bình. Tuy nhiên một nhà nước Palestine sẽ không được thành lập nếu không có sự công nhận Israel là một nhà nước của người Do Thái”- Thủ tướng Israel Netanyahu nói.
Trái hẳn với quan điểm của chính phủ Israel, người dân nước này lại ủng hộ nỗ lực tìm kiếm vị thế mới của Palestine tại LHQ. Nhiều nhà hoạt động Israel đã tập trung tại Tel Aviv để bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với việc Palestine tìm kiếm vị thế Nhà nước quan sát viên tại Liên hợp quốc.
Nitzan Horowitz-một nhà làm luật Israel nói: "Việc thành lập nhà nước Palestine cùng chung sống trong hòa bình và an ninh với Israel về cơ bản cũng là lợi ích của Israel. Đó là lý do vì sao tối nay người dân Israel chúng tôi ủng hộ Palestine”.
Còn Alon Liel – Cựu quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Israel cho biết: “Tôi nghĩ ngày 29/11 này là một ngày lịch sử khi LHQ công nhận Nhà nước Palestine và tôi nghĩ đây không chỉ là một ngày tuyệt vời đối với chính phủ và nhân dân Palestine mà còn là một ngày vui đối với người dân Israel chúng tôi”.
Một khi được nâng cấp trở thành nhà nước, Palestine có thể tham gia vào các thể chế như Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) và một số cơ quan đặc biệt của LHQ như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Palestine hy vọng thành lập Nhà nước ở khu Bờ Tây, phía Đông Jerusalem và Dải Gaza, tức những phần lãnh thổ đã bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967.
Tổng thống Palestine Abbas từng tuyên bố ông sẽ tái khởi động tiến trình hòa bình ngay lập tức sau khi LHQ tiến hành cuộc bỏ phiếu về việc nâng cấp vị thế cho Palestine. Tiến trình này đã bị đình hoãn 2 năm qua do Israel xây dựng các khu định cư ở khu Bờ Tây./.