Thế giới tiếp tục chỉ trích hành động của Trung Quốc

VOV.VN - Một số Chính phủ và học giả quốc tế cho rằng, hành động của Trung Quốc là khiêu khích và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại biển Đông cùng với nhiều hành động gây hấn đối với Việt Nam, Chính phủ nhiều nước và các nhà phân tích tiếp tục lên tiếng phản đối Trung Quốc cũng như kêu gọi giải quyết căng thẳng dựa trên luật pháp quốc tế.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào sâu tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại biển Đông, Hạ nghị sĩ Mỹ Jason Chaffetz đã ra tuyên bố báo chí khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 là động thái mới nhất trong “một loạt các hành động của Bắc Kinh đã gây ra cảm giác bất an ngày càng tăng trong khu vực”.

Tàu dịch vụ không số của Trung Quốc áp sát chĩa vòi rồng, phun nước vào tàu Kiểm ngư HP 926 của Việt Nam

Ông đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam luôn muốn chung sống hòa bình và thịnh vượng với sự tôn trọng của các nước láng giềng. Hạ nghị sĩ Chaffetz nhấn mạnh: “Từ các chuyến thăm gần đây tới khu vực này, tôi biết rằng người dân Việt Nam có chung ước nguyện căn bản nhất như các dân tộc khác, đó là chung sống hòa bình và thịnh vượng, với sự tôn trọng của các nước láng giềng”. 

Cũng trong tuyên bố hôm qua (18/5), người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói rằng, quyết định hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc tại Biển Đông là hành động khiêu khích và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Ông Carney nói: “Chúng tôi coi hành động đó mang tính khiêu khích và hủy hoại mục tiêu mà chúng ta cùng chia sẻ, đó là giải pháp hòa bình cho những tranh chấp này và ổn định chung trong khu vực. Mỹ không tham gia vào cuộc tranh chấp này nhưng chúng tôi tán thành các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không đe dọa hay ép buộc lẫn nhau và phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Trước đó một ngày, ông Carney cũng đã tuyên bố, Mỹ không phải là một bên tranh chấp, song Tổng thống Barack Obama trong chuyến công du châu Á mới đây đã nhiều lần nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tiến hành đối thoại hòa bình về các vụ tranh chấp khác nhau liên quan tới Trung Quốc và Biển Đông.

Cùng chia sẻ quan điểm này, bà Anjuska Weil, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch đảng Lao động Thụy Sĩ khẳng định, những tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền ở biển Đông hoàn toàn trái luật pháp quốc tế. Hành động đặt giàn khoan của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thể hiện thái độ ỷ mạnh hiếp yếu của Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng rõ ràng rằng, Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động bất hợp pháp của họ đối với tất cả các quốc gia láng giềng, cùng hợp tác vì hòa bình và ổn định ở biển Đông.

Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt, cựu Chủ tịch Thượng viện Pháp, Thượng nghị sĩ Christian Poncelet trong bức thư gửi Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng nêu rõ: “Căn cứ vào luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, việc can thiệp (vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam) không có sự cho phép của Việt Nam là bất hợp pháp”.

Thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi, phía Nam Paris, Didier Guillaume khẳng định, việc hạ đặt giàn khoan đã “vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”, ảnh hưởng đến an ninh và an toàn hàng hải của cộng đồng quốc tế tại biển Đông.

Trang tin GMA News dẫn nguồn tin từ Phủ Tổng thống Philippines cho biết, Tổng thống nước này Benigno Aquino có thể sẽ thảo luận với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về căng thẳng ở Biển Đông bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á diễn ra tại Philippines vào tuần này.

Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar, Philippines và Việt Nam đã phản đối các hành động ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông và yêu cầu Trung Quốc phải hành xử theo luật pháp quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên