Thế khó của NATO nếu đưa lực lượng huấn luyện tới Ukraine
VOV.VN - NATO đang tính tới khả năng đưa quân tới Ukraine để huấn luyện lực lượng của Kiev ngay tại nước này. Nhưng quyết định như vậy có thể làm mờ đi ranh giới đỏ trước đó, đồng thời đẩy Mỹ và châu Âu can dự trực tiếp hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Ukraine đang thiếu nhân lực trầm trọng trên chiến trường và rơi vào tình thế nguy hiểm khi Nga tiến công dồn dập nhằm tận dụng thời cơ khi vũ khí phương Tây viện trợ vẫn chưa đến. Do đó, giới chức Ukraine đã đề nghị các đối tác Mỹ và NATO giúp đào tạo 150.000 tân binh gần chiến tuyến hơn để có thể triển khai nhanh hơn.
Kịch bản không thể tránh khỏi?
Cho đến nay Mỹ vẫn nói “không”. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Charles Q. Brown Jr., ngày 16/5 nói rằng việc NATO triển khai sỹ quan huấn luyện ở Ukraine là điều không thể tránh khỏi.
“Theo thời gian, cuối cùng chúng ta cũng sẽ phải làm như vậy”, ông Brown nói.
Ông Brown cũng thừa nhận, việc triển khai lực lượng huấn luyện của NATO bên trong lãnh thổ Ukraine sẽ khiến họ gặp nguy hiểm và rất có thể điều này sẽ dẫn tới tình huống phải quyết định nên sử dụng hệ thống phòng không quý giá để bảo vệ các sỹ quan huấn luyện hay bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine gần chiến trường.
Là một thành viên của NATO, Mỹ có nghĩa vụ hỗ trợ phòng thủ trước bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các sỹ quan huấn luyện, nhưng như vậy cũng đồng nghĩa với nguy cơ khiến Mỹ can dự trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Nhà Trắng vẫn kiên quyết quan điểm không đưa quân đội Mỹ, bao gồm cả các sỹ quan huấn luyện tới Ukraine. Chính quyền Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh NATO không gửi quân tới Ukraine.
Đầu năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người đầu tiên đưa ra phương án triển khai quân đội phi chiến đấu đến Ukraine. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của các thành viên NATO ở vùng Baltic, nhưng nhanh chóng bị các nhà lãnh đạo thận trọng hơn như Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz bác bỏ.
Rút ngắn thời gian để triển khai tân binh
Cố vấn an ninh quốc gia Estonia cho biết nước này không loại trừ khả năng gửi quân tới miền Tây Ukraine để đảm nhận vai trò hậu phương nhằm giúp Ukraine giải phóng lực lượng và đưa ra mặt trận.
Trong cuộc phỏng vấn với Guardian tuần trước, Ngoại trưởng Litva, Gabrielius Landsbergis bày tỏ ủng hộ lập trường của Tổng thống Pháp.
“Quân đội của chúng tôi đã huấn luyện người Ukraine ở Ukraine trước khi xung đột bùng phát. Vì vậy, việc quay trở lại là hoàn toàn có thể”, ông Landsbergis nói.
Quân đội Mỹ đã tiến hành huấn luyện cho quân đội Ukraine ở Ba Lan, Đức và Mỹ nhưng việc đưa binh sỹ từ Ukraine ra nước ngoài huấn luyện tốn nhiều thời gian. Các quan chức Mỹ thừa nhận rằng chương trình huấn luyện hiện tại của lực lượng Ukraine là chưa đủ và họ cần được huấn luyện tốt hơn, nhanh hơn để đẩy lùi nỗ cuộc tấn công dự kiến của Nga vào mùa hè này.
Mỹ từng giúp điều hành chương trình huấn luyện của NATO tại Yavoriv, phía Tây Ukraine, nhưng binh sỹ Mỹ đã rút khỏi đó khi xung đột bắt đầu bùng phát.
Việc huấn luyện của Mỹ và đồng minh không phải lúc nào cũng thành công. Trước cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè năm 2023, các đơn vị Ukraine được huấn luyện ở Đức về tác chiến cơ động, rà phá bom mìn và các nhiệm vụ khác. Dù vậy, học cách sử dụng xe tăng, pháo binh và bộ binh một cách phối hợp là điều khó khăn, đặc biệt là trong khoảng thời gian 12 tuần ngắn ngủi.
Một vấn đề nữa là Ukraine đang phải đối mặt với một chiến trường khốc liệt hơn và cũng rất khác những gì lực lượng Mỹ đã chiến đấu trong những năm gần đây.
Các quan chức quân sự thừa nhận, việc chuyển hoạt động huấn luyện tới Ukraine sẽ cho phép các sỹ quan huấn luyện của Mỹ thu thập thông tin nhanh hơn về những thay đổi đang diễn ra trên chiến tuyến của Ukraine, từ đó cho phép họ điều chỉnh quá trình huấn luyện của mình.
Nga sẽ coi đó là “can thiệp trực tiếp”
Một quan chức Mỹ ngày 15/5 cho biết, huấn luyện quân đội Ukraine ở Lviv, gần biên giới phía Tây của nước này với Ba Lan có thể là một lựa chọn.
Thực tế, Nga cũng đã tập kích vào khu vực phía Tây Ukraine như Lviv. Cách đây vài tuần, tên lửa hành trình của Nga đã đánh vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở đó.
Một số quan chức nói rằng, số lượng lớn tân binh Ukraine có thể vẫn được gửi đến các thao trường huấn luyện rộng lớn ở Đức và Ba Lan. Nhưng điều đó đi kèm với những khó khăn về mặt hậu cần khi các binh sỹ Ukraine phải di chuyển đến cơ sở huấn luyện của Quân đội Mỹ ở Grafenwoehr, Đức, thực hiện các cuộc diễn tập phức tạp và sau đó đi gần 1.600km qua Lviv trở về Kyiv để triển khai ra tiền tuyến.
“Hãy nhớ rằng, vào năm 2014, chúng ta đã gửi quân đến Ukraine để huấn luyện lực lượng Ukraine ở miền Tây Ukraine và chúng ta đã liên tục luân chuyển lực lượng này cho đến năm 2022 mới rút đi. Không có gì ngạc nhiên khi hiện tại các thành viên NATO và ban lãnh đạo liên minh đang cân nhắc cách hỗ trợ Ukraine một lần nữa ở hậu phương, nhất là khi Ukraine đang thiếu hụt nhân lực ở mặt trận”, Evelyn Farkas, cựu quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc về Ukraine dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama nói.
Điện Kremlin nhiều lần cảnh báo NATO không được triển khai bất kỳ lực lượng nào tới Ukraine.
Bình luận về đề nghị của Ukraine nhằm kêu gọi NATO triển khai lực lượng, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng sự can thiệp trực tiếp trên thực địa của quân đội các nước NATO vào cuộc xung đột này có thể gây ra mối nguy hiểm to lớn. Vì vậy, chúng tôi coi điều này là một sự khiêu khích cực kỳ lớn, và tất nhiên, chúng tôi đang theo dõi rất sát sao”.