Thiết quân luật được mở rộng ở Myanmar: Thế giới kêu gọi các bên kiềm chế
VOV.VN - Thế giới hiện vẫn theo dõi sát tình hình Myanmar, kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời để ngỏ các khả năng phản ứng sau khi Hội đồng Hành pháp Nhà nước Myanmar quyết định mở rộng lệnh thiết quân luật tại thành phố Yangon.
Một ngày sau khi có tới gần 40 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh, Hội đồng Hành pháp Nhà nước Myanmar hôm nay (15/3) đã quyết định mở rộng lệnh thiết quân luật tại thành phố lớn nhất Yangon. Thế giới hiện vẫn theo dõi sát tình hình Myanmar, kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời để ngỏ các khả năng phản ứng.
Hội đồng Hành pháp Nhà nước Myanmar đã trao quyền hành pháp và tư pháp cho chỉ huy vùng Yangon để đảm bảo an ninh và duy trì luật pháp, cũng như sự yên bình cho địa phương.
Lệnh thiết quân luật được mở rộng ra 4 quận mới ở Yangon gồm Bắc Dagon, Nam Dagon, Dagon Seikkan và Bắc Okkalapa. Trước đó, tình trạng thiết quân luật đã được ban bố tại quận Hlaingthaya và Shwe Pyi Thar thuộc vùng cố đô, sau khi xảy ra vụ việc một số nhà máy ở các địa phương này hôm qua bị đốt phá, chủ yếu là các nhà máy của Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc cho biết, một số nhà máy nước này tại Yangon đã bị đốt phá và hôi của ở mức độ “rất nghiêm trọng”. Nhiều nhân viên người Trung Quốc đã bị thương.
Theo Đài truyền hình quân sự Myawady, hàng chục người đã mang theo rìu và xăng tấn công và phóng hỏa các nhà máy. Hơn 2.000 người biểu tình đã chặn các con đường để ngăn lực lượng cứu hỏa dập lửa.
Đại sứ quán Trung Quốc kêu gọi Myanmar trừng phạt thủ phạm đứng đằng sau vụ việc, ngăn chặn mọi hành vi bạo lực, đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của các công ty và nhân viên nước này. Trong tuyên bố, Đại sứ quán Trung Quốc kêu gọi người dân Myanmar bày tỏ chứng kiến một cách hợp pháp và không kích động để tránh phá hoại quan hệ giữa hai nước.
Tình trạng bạo lực đang diễn biến phức tạp tại Myanmar, đặc biệt là có các báo cáo cho rằng, các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình trong ngày hôm qua (14/3) đã khiến 38 người thiệt mạng.
Hôm nay, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết, nước này đang cân nhắc các hành động phản ứng: “Chính phủ Nhật Bản cực lực lên án tình trạng bạo lực tiếp diễn bất chấp những lời kêu gọi lặp đi lặp lại từ cộng đồng quốc tế. Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ xem xét cách ứng phó với tình hình ở Myanmar về mặt hợp tác kinh tế và các chính sách khác, đồng thời cân nhắc phản ứng của các quốc gia liên quan”.
Còn Đại sứ Anh tại Myanmar Dan Chugg lên án việc lực lượng an ninh sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình và kêu gọi chính quyền trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự bị bắt giữ.
Trong khi đó, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc – bà Christine Schraner Burgener trong một tuyên bố đã lên án các hành vi bạo lực, gọi đây là sự việc “đau lòng”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế, đoàn kết với người dân Myanmar.
Trong một diễn biến liên quan, phiên tòa xét xử bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn Nhà nước Myanmar bị bắt giữ từng được dự kiến diễn ra trong ngày hôm nay (15/3) đã phải hoãn lại tới ngày 24/3 tới, do sự cố gián đoạn internet tại quốc gia Đông Nam Á này. Bà San Suu Kyi đang đối mặt với ít nhất 4 tội danh, bao gồm sử dụng bộ đàm nhập khẩu bất hợp pháp và vi phạm quy định phòng dịch Covid-19./.