Thiếu vũ khí tầm xa, Nga tự tìm cách xoay sở, Ukraine lâm vào đường cụt?
VOV.VN - Bị bủa vây bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, Nga vẫn tìm ra cách tự sản xuất vũ khí tầm xa. Trong khi đó, Ukraine đang nỗ lực thuyết phục các đồng minh tăng cường viện trợ và cho phép mở rộng phạm vi tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga; dù cho đến nay, những nỗ lực ấy vẫn chưa có nhiều hiệu quả.
Theo Tổng thống Volodymyr Zelensky, trong hai tuần đầu tiên của tháng 9, Nga đã phóng hơn 640 máy bay không người lái (UAV) Shahed vào các thành phố của Ukraine. Nguồn cung vũ khí của Nga có vẻ sẽ khó cạn kiệt khi các vi mạch, chất bán dẫn và các thiết bị vi điện tử khác từ Trung Quốc, Mỹ và EU vẫn đang được tìm thấy trong xác những chiếc UAV và tên lửa của Nga trên lãnh thổ Ukraine.
Ông Vladyslav Vlasiuk, cố vấn thân cận của Tổng thống Zelensky, cho biết Moscow vẫn dủ khả năng bổ sung vũ khí cho các mặt trận hiện đang tham chiến mặc dù các lệnh trừng phạt cũng phần nào cản trở điều này.
"Nga vẫn có thể mua linh kiện từ các nước khác và tự sản xuất vũ khí, bao gồm tên lửa và máy bay không người lái. Tin mừng là Moscow sẽ nhận được ít linh kiện hơn mức họ muốn, đồng thời phải trả một mức giá cao hơn nhiều", ông Vlasiuk trả lời phỏng vấn tờ Euronews.
Đặc phái viên về lệnh trừng phạt của EU David O'Sullivan cũng tiết lộ: "Chúng tôi ước tính rằng, Nga phải mua các linh kiện với giá đắt hơn 1,25 lần so với trước đây, trong một số trường hợp còn đắt gấp 3 lần. Điều này đang gây ra thiệt hại đáng kể cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga".
Ông cho biết một trong những bước quan trọng để nâng giá linh kiện là xác định danh sách các sản phẩm ưu tiên trên chiến trường, do Viện nghiên cứu khoa học giám định pháp y Kiev thực hiện.
Viện giám định pháp y Kiev (KSRIFE) là một trong số các tổ chức của Ukraine được giao nhiệm vụ nghiên cứu vũ khí Nga, nhưng đây là cơ sở quy mô lớn nhất. Trong thời bình, cơ quan hơn 100 năm tuổi tập trung vào công tác pháp y phục vụ điều tra tội phạm. Kể từ khi chiến sự bùng phát, ít nhất một nửa công việc của viện đã chuyển sang hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga.
Bà Nataliia Nestor, Phó giám đốc KSRIFE cho biết trong suốt năm ngoái, các chuyên gia của viện đã tiến hành khoảng 30.000 nghiên cứu liên quan đến vũ khí Nga, bao gồm các loại tên lửa mà Nga sử dụng để tấn công Ukraine: Iskander, Kinzhal, Kalibr, Kh-101, Kh-55, Kh-59 và nhiều loại khác. Ngoài ra, các UAV tấn công như Shahed-136 và Shahed-121; UAV trinh sát Kartograf, Orlan-10 và Supercam cũng sẽ sơm được đưa vào nghiên cứu.
Hầu hết các linh kiện có nguồn gốc từ EU đều có trong UAV Geranium-2 hay còn gọi là Shahed-136 và Orlan, cũng như trong các UAV trinh sát khác (Eleron, ZALA) và trong các tên lửa của hệ thống Iskander, Kh-101 và Kinzhal.
Nga tìm ra cách lách luật?
Nga có một mạng lưới đại lý khá lớn trên toàn thế giới, giúp việc vận chuyển các linh kiện cần thiết dễ dàng hơn thông qua các quốc gia trung gian hoặc bên thứ ba, nhằm tránh được các lệnh trừng phạt.
Hầu hết các linh kiện mua từ nước ngoài đều có tác dụng kép. Điều này có nghĩa là chúng có thể được sử dụng trong các thiết bị gia dụng nhưng cũng có thể được đưa vào vũ khí. Một số linh kiện được tìm thấy trong máy bay không người lái và tên lửa của Nga cũng được tìm thấy trong máy giặt, máy ảnh và các thiết bị điện tử khác.
Ngoài ra, các chuyên gia quân sự cũng đánh giá cao sự thích ứng của Nga trong việc chế tạo vũ khí. Các chuyên gia KSRIFE thường xuyên tìm thấy nhiều linh kiện khác nhau được sử dụng với cùng một chức năng trong nhiều loại vũ khí.
"Nhà cung cấp hôm nay có thể đến từ Thụy Sĩ, ngày mai là từ Đức hoặc Hà Lan. Các thành phần khác nhau được sản xuất ở các quốc gia khác nhau", ông Nestor cho biết, đồng thời nói thêm rằng Nga cũng bắt đầu tự sản xuất các linh kiện này. Điều đó đồng nghĩa với việc nước này sẽ nhanh chóng bổ sung thêm vũ khí cho chiến trường trong thời gian tới, trong khi Ukraine vẫn phải liên tục kêu gọi nguồn viện trợ từ nước ngoài.
Moscow đang nỗ lực tăng cường hiệu suất sản xuất máy bay không người lái trong nước. Hôm 19/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Ủy ban Công nghiệp-Quân sự thảo luận về giải pháp nhằm đẩy mạnh quá trình này.
Nhà lãnh đạo Điện Kremlin cũng tuyên bố, các công ty Nga đã cung cấp khoảng 140.000 UAV cho quân đội vào năm 2023. Vào năm 2025, sản lượng dự kiến sẽ tăng gấp 10 lần, đạt mốc 1,4 triệu UAV.
Nỗi lo của Ukraine
Nguồn viện trợ vũ khí từ phương Tây chảy vào Ukraine vẫn đang nhỏ giọt, trong khi yêu cầu mở rộng phạm vi tấn công vào sâu lãnh thổ Nga của Kiev vẫn chưa được Mỹ chấp thuận.
Đức là một trong những quốc gia viện trợ quân sự hàng đầu cho Kiev kể từ khi nổ ra xung đột với Moscow hồi cuối tháng 2-2022. Tuy nhiên, Berlin đã ra tín hiệu thay đổi chính sách đối với Ukraine vào tháng trước, khi liên minh cầm quyền gồm Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Xanh và Đảng Tự do thông qua một thỏa thuận sơ bộ về dự thảo ngân sách năm 2025. Nội dung thoả hiệp do Politico tiết lộ cho thấy Đức sẽ cắt giảm viện trợ quân sự mới cho Ukraine từ 8 tỉ euro xuống còn 4 tỉ euro "để thực hiện các ưu tiên chi tiêu khác".
Cho đến nay, Anh vẫn chưa bật đèn xanh cho phép tên lửa Storm Shadow do nước này sản xuất hiện diện trên không phận của Nga. Thủ tướng Keir Starmer mới đây cho biết, "kế hoạch chiến thắng" của Ukraine không chỉ xoay quanh mỗi Storm Shadow, đồng thời dự định sẽ thảo luận sâu hơn về vấn đề này với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp sắp tới.
Mỹ cũng chưa cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga với nhận định rằng, một số lượng ATACSMS khó có thể tạo nên bước đột phá lớn trên chiến trường. Bên cạnh đó, Washingtin cũng lo ngại về những phản ứng mạnh mẽ hơn từ Moscow nếu Ukraine nhận được cái gật đầu từ Mỹ.