Thịt lợn lại trở thành chủ đề nóng trước năm học mới tại Pháp
VOV.VN - Việc có sử dụng thực phẩm khác thay thế thịt lợn trong bữa ăn ở trường học hay không, tiếp tục trở thành chủ đề gây tranh cãi trong xã hội Pháp.
Toà hành chính của thành phố Dijon, nằm cách thủ đô Paris hơn 300km về phía Đông ngày 28/8 vừa ra phán quyết bác bỏ quyết định trước đó của thành phố Chalon-sur-Saône trong vùng, về việc sẽ không chuẩn bị thực đơn thay thế cho thịt lợn trong bữa ăn tại căng-tin trường học.
Ảnh minh họa: Reuters
Quyết định này ngay lập tức gây ra những tranh cãi lớn, không chỉ trên phạm vi của vùng Bourgogne, mà còn trên cả nước Pháp, bởi nó làm sống lại một trong các chủ đề nhạy cảm về tôn giáo tại các trường học Pháp trong nhiều năm qua.
Trước đó, từ tháng 9/2015, toà Thị chính thành phố Chalon-sur-Saône đã ra quyết định sẽ không chuẩn bị thực đơn thay thế cho thịt lợn tại các căng-tin trường học.
Lý lẽ của toà thị chính thành phố này là trong môi trường giáo dục, cần phải bảo đảm tuyệt đối tính thế tục, tức là không được phép để các vấn đề tôn giáo hay chính trị hiện diện trong trường. Vì thế, việc chuẩn bị các thực đơn thay thế thịt lợn nhằm phục vụ các học sinh theo đạo Hồi, có thể gây ra sự phân biệt với các học sinh khác.
Tuy nhiên, Liên đoàn bảo vệ pháp lý cho người Hồi giáo (LDJM) tại Pháp đã phản đối gay gắt quyết định trên của Toà thị chính thành phố Chalon-sur-Saône và cho rằng đó là một quyết định bất hợp pháp, phân biệt đối xử và vi phạm quyền tự do tín ngưỡng. Liên đoàn này sau đó đã đệ đơn kiện lên Toà hành chính Dijon, dẫn đến phán quyết được đưa ra ngày 28/8 vừa qua.
Điều đáng nói là trong thông báo đưa ra, Toà hành chính Dijon bảo vệ phán quyết của mình rằng làm thế là để “bảo vệ lợi ích cao nhất của các học sinh” và tránh đề cập đến lý lẽ về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Chính vì thế, Thị trưởng thành phố Chalon-sur-Saône đã lên tiếng chỉ trích phán quyết của Toà hành chính Dijon và cho biết sẽ khiếu nại lên Toà có thẩm quyền cao hơn, đồng thời cảnh báo rằng phán quyết vừa đưa ra có thể sẽ tạo ra một tiền lệ tiêu cực trên toàn bộ nước Pháp.
Các lập luận này không hoàn toàn phi lý bởi lẽ trong suốt nhiều năm qua, các tranh luận về việc có đưa thịt lợn vào thực đơn trường học hay không luôn là một chủ đề nhạy cảm và gây chia rẽ trong xã hội Pháp.
Trong khi những người bảo vệ việc xem thịt lợn như tất cả các loại thực phẩm khác cho rằng, tính thế tục, tức là phi tôn giáo, phi chính trị, phải luôn được duy trì như là một trong các giá trị quan trọng nhất của nền giáo dục Pháp, cũng như của hệ thống chính trị Pháp, thì những người phản đối, chủ yếu là cộng đồng Hồi giáo tại Pháp, lại xem đó là sự sỉ nhục và phân biệt đối xử với cộng đồng mình, bởi lẽ trong tín ngưỡng Hồi giáo, thịt lợn là thực phẩm bị cấm sử dụng.
Sự tranh cãi và chia rẽ này đang bị đào sâu hơn trong những năm qua trước sự lớn mạnh của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) cũng như trước thực tế là ngày càng có nhiều người Pháp tỏ ra cảnh giác hơn trước sự xâm nhập của Hồi giáo vào đời sống xã hội Pháp, khiến nảy sinh các xung đột về tôn giáo và văn hoá với cư dân bản địa./.
Saint-Émilion trên “những con đường rượu vang” Pháp