Thổ Nhĩ Kỳ chia rẽ sâu sắc sau kết quả trưng cầu sửa đổi Hiến pháp
VOV.VN - Kết quả trưng cầu ý dân sửa đổi Hiến pháp đã bộc lộ những chia rẽ trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ và những thách thức sắp tới với “siêu Tổng thống” Erdogan.
Theo kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu ý dân Thổ Nhĩ Kỳ về Hiến pháp mới, phe ủng hộ sửa đối Hiến pháp đã giành chiến thắng với 51,5% phiếu bầu. Kết quả này sẽ tạo điều kiện cho ông Tayyip Erdogan có thể trở thành một “siêu Tổng thống” cả về khía cạnh quyền hạn và thời gian giữ chức.
Dù kết quả trưng cầu ý dân đ\ược cho là có lợi cho Tổng thống Erdogan, ông vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai. Ảnh: Reuters
Với kết quả cuộc bỏ phiếu cho thấy đây là một sự thay đổi cấp tiến nhất đối với hệ thống chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trong lịch sử hiện đại. Điều này tạo điều kiện cho ông Erdogan tại nhiệm ít nhất đến năm 2029.
Tổng thống cũng có thêm vai trò điều hành chính phủ, đề xuất các khoản thu chi trong ngân sách, ban hành sắc lệnh, ban bố tình trạng khẩn cấp mà không cần quốc hội thông qua.
Cuộc bỏ phiếu này được cho là mang tính quyết định đối với mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trước đó tuyên bố sẽ xem xét lại tương lai quan hệ nước này và Liên minh châu Âu sau cuộc trưng cầu ý dân.
Phát biểu sau khi có kết quả sơ bộ, Tổng thống Erdogan khẳng định, lần đầu tiên trong lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định về một sự thay đổi quan trọng như vậy bằng ý chí của Quốc hội và nhân dân.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yildirim thì cho rằng cuộc trưng cầu ý dân mở ra một chương mới trong lịch sử dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ: “Vào thời điểm này, với cuộc bỏ phiếu giúp mở ra một chương mới cho Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi người phải chắc chắn rằng, chúng ta sẽ phải sử dụng kết quả cuộc bỏ phiếu này để mang lại sự thịnh vượng và hòa bình quốc gia”.
Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/4 đã đổ xuống đường để thể hiện sự ủng hộ với Tổng thống Erdogan. Những người ủng hộ ông Erdogan cho rằng, việc cải cách hiến pháp sẽ giúp vực dậy nền kinh tế trì trệ của đất nước cũng như ổn định chính trị.
Tuy nhiên, với kết quả kiểm phiếu sít sao cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Với 99% số phiếu bầu được kiểm, phe nói "Có" với việc sửa đổi Hiến pháp mở rộng quyền lực cho Erdogan chiếm 51,3%, nhưng 3 thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả Istanbul đã bỏ phiếu “Không”.
Chuyên gia phân tích người Thổ Nhĩ Kỳ Erkan Demirtas nhận định: “Thực tế là kết quả quá sít sao cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang là một quốc gia bị chia rẽ. Đây là một trong những cuộc trưng cầu ý dân quan trọng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ về tương lai của đất nước. Tuy nhiên, kết quả này cho thấy chưa có sự rõ ràng về các quyết định quan trọng”.
Sau khi có kết quả cuộc trưng cầu ý dân với thắng lợi thuộc về Tổng thống Erdogan, cư dân ở nhiều khu phố của Istanbul cũng đã đổ ra đường đập phá đồ đạc như một hình thức phản đối kết quả này.
Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập chính tuyên bố sẽ yêu cầu kiểm lại đến 60% số phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân. Người đứng đầu Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) Kemal Kilicdaroglu cũng đặt câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc trưng cầu ý dân và chỉ trích Ủy ban bầu cử khiến cho cuộc bỏ phiếu trở nên “ gây tranh cãi”.
Ông Kemal Kilicdaroglu cho biết: “Một quyết định sai, một quyết định không hợp pháp sẽ khiến cuộc trưng cầu ý dân này trở nên gây tranh cãi. Chúng tôi sẽ kiên quyết làm sáng tỏ những thắc mắc này”.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra khi Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như chiến dịch thanh trừng sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ, với khoảng 100.000 người bao gồm các thẩm phán, giáo viên, nhà báo, cảnh sát, binh lính… bị sa thải.
Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng phải đối mặt với tình trạng bạo lực gia tăng giữa nhóm vũ trang người Kurd và lực lượng an ninh tại phía đông nam đất nước, cũng như hàng loạt các vụ đánh bom của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở khu vực biên giới Syria...
Những điều này cho thấy Tổng thống Erdogan sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong việc đảm bảo đất nước ổn định và đoàn kết. Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, do kết quả sít sao của cuộc trưng cầu ý dân, Thổ Nhĩ Kỳ cần tìm kiếm sự đồng thuận quốc gia lớn nhất có thể trong những biện pháp sửa đổi Hiến pháp của nước này./.
Trưng cầu ý dân Thổ Nhĩ Kỳ: ông Erdogan muốn thành “siêu Tổng thống”