Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực lập lại trật tự sau đảo chính
VOV.VN - Dù đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị dập tắt song nó cũng đủ để gây cú sốc lớn cho quốc gia từng được xem là nền dân chủ Hồi giáo điển hình.
Mặc dù vụ đảo chính hôm 15/7 đã được dẹp tan, nhưng tình hình chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp. Hơn 290 người bị thiệt mạng, trong đó có khoảng 100 người thuộc lực lượng đảo chính và hơn 1.400 người khác bị thương. Khoảng 6.000 người có liên quan đến cuộc đảo chính đã bị bắt giữ và con số còn tăng thêm.
Chính phủ của Tổng thống Tayyip Erdogan tuyên bố nước này có thể sẽ lại sử dụng hình phạt tử hình để áp dụng cho các đối tượng chủ mưu của cuộc đảo chính.
Cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7 đã gây cú sốc lớn cho quốc gia từng được xem là nền dân chủ Hồi giáo điển hình. (Ảnh: cbc)
Phát biểu trước những người ủng hộ sau khi tham dự lễ tang những nạn nhân thiệt mạng trong vụ đảo chính ngày hôm qua, ông Erdogan cho rằng, không thể trì hoãn việc tái sử dụng hình phạt tử hình bởi theo ông những kẻ tiến hành đảo chính phải trả giá cho hành động này.
Ông Erdogan nói: “Chúng ta không thể bỏ qua yêu cầu của nhân dân trong một nền dân chủ - đây là quyền của các bạn. Tôi tin rằng, quyết định này phải được chấp thuận khi Chính phủ sẽ có cuộc thảo luận với các đảng đối lập về vấn đề này. Chúng ta không thể trì hoãn quyết định này hơn nữa, bởi những người chống lại nền dân chủ cần phải bị trả giá”.
Ông Erdogan cũng kêu gọi người dân vẫn cần phải cảnh giác trước các nguy cơ xung đột mới đang tiềm ẩn. Hôm qua (17/7), lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có các cuộc đụng độ với những kẻ có âm mưu đảo chính tại sân bay Sabiha Gokcen ở thành phố Istanbul và căn cứ không quân Konya ở miền Trung nước này.
Thêm vào đó, hãng tin CNN đưa tin, ít nhất 42 chiếc trực thăng đã mất tích khỏi kho vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tin này đang làm dấy lên những quan ngại về khả năng sắp có nỗ lực đảo chính thứ hai xảy ra nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Erdogan.
Theo hãng tin CNN, cho đến nay, khoảng 6.000 người đã bị bắt giữ, trong đó có 2.700 thẩm phán và hơn 3.000 sĩ quân quân đội. Trong số những người bị bắt giữ có chuẩn tướng Không quân Bekir Ercan Van cùng với hơn 10 sĩ quan thuộc cấp tại Căn cứ không quân Incirlik ở tỉnh miền nam Adana – nơi được lực lượng Mỹ sử dụng để tiến hành không kích ở Syria.
Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết, "chiến dịch dọn dẹp đang tiếp diễn", những người liên quan đến cuộc đảo chính sẽ tiếp tục bị bắt giữ và không loại trừ cả những nhân vật rất thân cận với Chính phủ.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cuộc đảo chính trên chắc chắn được thực hiện bởi những người ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen. Tuy nhiên, ông Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ, đã phủ nhận việc dính líu đến cuộc đảo chính trên và ông coi đây là một sự sỉ nhục đối với nền dân chủ.
Thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ trong phiên mở cửa giao dịch sáng nay đã chứng kiến mức sụt giảm đồng Lira 4,6%, xuống thấp nhất trong vòng 6 tháng qua so với đồng USD. Động thái này khiến cho các nhà đầu tư lo ngại và nguy cơ có tác động tiêu cực đến tình hình xuất khẩu. Cuộc đảo chính cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngày du lịch nước này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã lên tiếng trấn an người dân: “Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị ngăn chặn. Cuộc sống đang trở lại bình thường. Ngành tài chính đang hoạt động tốt. Chính phủ đã và đang làm tất cả những gì có thể để các nhà đầu tư không phải lo lắng. Các tổ chức tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hoạt động hoàn hảo trở lại mà không phải chịu bất kỳ hạn chế nào”.
Mặc dù cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị dập tắt chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, song nó cũng đủ để gây một cú sốc lớn cho quốc gia từng được xem là nền dân chủ Hồi giáo điển hình, nơi mà mức sống phát triển đều đặn trong hơn 1 thập kỷ qua. Và cuộc đảo chính lần này cũng làm tan vỡ niềm tin mong manh của các nước thành viên Liên Minh Châu Âu về vấn đề đảm bảo an ninh của của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được xem là điều kiện để quốc gia này thực hiện ước mơ gia nhập khối./.