Thổ Nhĩ Kỳ với những tính toán tham vọng
VOV.VN - Thời gian qua, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp có các động thái điều chỉnh chính sách đối ngoại đáng chú ý. Theo giới phân tích, mục tiêu của các điều chỉnh mang nhiều tính toán này của Ankara là nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng để duy trì và mở rộng lợi ích cốt lõi của mình tại khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Thời gian qua, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp có các động thái điều chỉnh chính sách đối ngoại đáng chú ý, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khu vực cũng như quốc tế.
Theo giới phân tích, mục tiêu của các điều chỉnh mang nhiều tính toán này của Ankara là nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng để duy trì và mở rộng lợi ích cốt lõi của mình tại khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Một trong những động thái mới và đáng chú ý nhất mà Ankara tiến hành liên quan đến chính sách đối ngoại cốt lõi của mình là quyết định thay đổi lập trường về việc chấp thuận Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo đó, tại cuộc họp thượng đỉnh NATO ngày 10/7 ở Litva, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đảo ngược quan điểm phản đối việc kết nạp Thụy Điển vào NATO mà Ankara duy trì suốt một thập kỷ rưỡi qua, bằng quyết định ủng hộ một cách có điều kiện việc NATO có thêm thành viên thứ 32. Giới phân tích cho rằng, bước đi của Tổng thống Erdogan có động lực lớn từ việc Chính quyền Mỹ thời gian qua tích cực thể hiện lập trường ủng hộ việc chuyển giao tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Song song với động thái này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tích cực thúc đẩy việc duy trì và thực thi sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do nước này và Liên Hợp Quốc (LHQ) làm trung gian hòa giải hồi tháng 7/2022. Tại cuộc gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 11/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhất trí với nhà lãnh đạo Anh rằng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen cần được tiếp tục gia hạn và thực thi. Đây cũng là quan điểm được Tổng thống Erdogan đặc biệt nhấn mạnh trong cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 8/7.
Tại khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập hôm 3/7 đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên cấp Đại sứ sau nhiều năm gián đoạn vì cuộc binh biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi tại Ai Cập mùa hè năm 2013. Đây cũng được coi là bước tiến lớn về đối ngoại của Tổng thống Erdogan, vừa giúp nâng tầm vị thế của Ankara, vừa phù hợp với những chuyển biến tích cực trong xu thế hòa giải đang diễn ra mạnh mẽ tại Trung Đông thời gian qua...
Trong lĩnh vực kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy mạnh nhiều hoạt động hợp tác đa dạng với các nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hôm 11/7, Hội nghị Kinh doanh quy mô lớn đầu tiên giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đã được tổ chức hoành tráng tại Istanbul với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp lớn, tập trung thảo luận nhiều khía cạnh hợp tác tham vọng giữa hai bên, nhất là lĩnh vực năng lượng, thương mại...
Việc tăng cường hợp tác với các cường quốc kinh tế được cho là hướng đi chiến lược của Ankara trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế trong nước vốn chịu tác động nặng nề của tình trạng lạm phát kéo dài cũng như trận động đất thảm khốc hồi tháng 2 vừa qua.
Bình luận trên truyền hình tiếng Arab Aljazeera hôm 12/7, nhiều nhà phân tích châu Âu và Trung Đông có chung quan điểm rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực điều chỉnh chính sách đối ngoại nhằm duy trì và mở rộng các lợi ích cốt lõi của mình ở khu vực cũng như trên toàn thế giới. Ankara đang có những tính toán thực sự tham vọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu phức tạp như hiện nay, khả năng đạt được mục tiêu của Ankara vẫn cần có thêm nhiều thời gian để kiểm chứng và xác thực.