Thỏa hiệp là điều xa vời để giải quyết khủng hoảng Ai Cập
VOV.VN - Trong khi đó, người dân Ai Cập mong muốn các bên đàm phán để giải quyết những bất đồng.
Một thỏa hiệp giữa chính phủ lâm thời Ai Cập và người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất là một điều xa vời tại thời điểm này. Trong khi Liên minh châu Âu, Mỹ và cộng đồng các quốc gia Arab tiếp tục các nỗ lực ngoại giao con thoi cho khủng hoảng chính trị Ai Cập, thì người dân nước này mong muốn chính các nhà lãnh đạo Ai Cập phải thỏa hiệp để giải quyết tình hình đất nước.
Người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi biểu tình ở thành phố Alexandria, Cairo (Ảnh: Press TV) |
Tiếp theo Liên minh châu Âu, Mỹ cũng gấp gáp thúc đẩy những nỗ lực hòa giải cho tình hình Ai Cập. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns và phái viên Liên minh châu Âu Bernadino Leon ngày 4/8, đã hội đàm với Tổng thống lâm thời Ai Cập Adli Mansour.
Trước đó một ngày, các quan chức Mỹ cũng đã gặp gỡ Thủ tướng trong chính phủ lâm thời Ai Cập El-Beblawi, nhằm tìm biện pháp tháo gỡ cho tình hình khủng hoảng hiện nay. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã yêu cầu thượng nghị sĩ John McCain và thượng nghị sĩ Linsey Graham, vốn là 2 thành viên của Ủy ban Vũ trang tại Thượng viện tới Ai Cập, để tiếp xúc với cả giới chức quân sự và phe đối lập nước này. Hiện Nhà Trắng vẫn chưa thể quyết định sẽ xử lý thế nào với khoản viện trợ hàng năm trị giá 1,55 tỷ USD, chủ yếu là viện trợ quân sự cho Ai Cập - đồng minh chủ chốt tại Trung Đông.
Theo nguồn tin MENA của Ai Cập, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burn, Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất Abdullah bin Zayed và Ngoại trưởng Qatar Khalid Al-Attiyah đều quyết định kéo dài thời gian làm việc tại Cairo để thúc đẩy các nỗ lực hòa giải.
Người biểu tình cả ủng hộ và phản đối Tổng thống bị phế truất đang vây kín Quảng trường Rabaa ở gần Đại học Cairo và quảng trường Tahrir, gây gián đoạn giao thông toàn thành phố. Hội đồng Quốc phòng Ai Cập ngày 4/8 cảnh báo rằng, thời gian đã gần hết để tìm một kết thúc hòa bình cho cuộc biểu tình ngồi của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohammed Morsi. Hội đồng Quốc phòng Ai Cập cho biết lực lượng an ninh sẽ buộc phải can thiệp nếu những nỗ lực hòa giải không sớm có được kết quả.
Trong khi đó, người dân Ai Cập tại sinh sống tại xung quanh khu vực biểu tình ngồi cho biết, cuộc sống của họ đang bị tác động nghiêm trọng. Chị Zeinab, một người dân sống gần quảng trường Rabaa nói: “Tôi ủng hộ việc người dân tự do bày tỏ nguyện vọng tại đất nước Ai Cập, dù rằng cuộc sống của tôi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc biểu tình ngồi. Tôi thậm chí không thể ra khỏi nhà. Tại sao các nhà lãnh đạo Ai Cập không tiến hành đàm phán để giải quyết các những bất đồng và đưa đất nước trở lại bình thường”.
Ít nhất 300 người đã thiệt mạng trong làn sóng bạo lực chính trị bùng phát kể từ khi Tổng thống Morsi bị phế truất ngày 3/7 vừa qua. Bất chấp những nỗ lực hòa giải từ cộng động quốc tế, những người ủng hộ Phong trào Anh em Hồi giáo và Tổng thống bị phế truất không dễ dàng chấp nhận một thỏa thuận với chính phủ lâm thời. Điều kiện tiên quyết để tiến hành đàm phán mà những người biểu tình đưa ra là việc phục chức hoàn toàn cho Tổng thống Morsi.
Trong khi đó, trong lộ trình tổ chức bầu cử và đưa Ai Cập trở lại chế độ dân chủ của chính phủ lâm thời chưa bao giờ đề cập tới việc đưa ông Morsi trở lại. Có thể thấy sự thỏa hiệp giữa các phe phái Ai Cập còn quá xa vời vào thời điểm này. Hơn thế, việc một tòa án của Ai Cập quyết định tổ chức phiên tòa xét xử 6 thủ lĩnh cấp cao của Phong trào Anh em Hồi giáo vào ngày 25/8 tới là một động thái khiến các cuộc biểu tình chưa thể hạ nhiệt./.