Thỏa thuận ngừng bắn tại Sudan đối mặt với nhiều thách thức
VOV.VN - Hôm qua (24/5), Cao ủy Liên Hợp Quốc về quyền con người Volker Turk cảnh báo các bên liên quan tại Sudan cần nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận ngừng bắn đạt được hôm 22/5.
Cảnh báo này được đưa ra sau khi LHQ nhận được các báo cáo về tình hình bạo lực vẫn diễn ra ở Khartoum, đặc biệt là những vi phạm về quyền con người dưới nhiều hình thức.
Phát biểu tại Geneva, Cao ủy Liên Hợp Quốc về quyền con người Volker Turk cho biết, dù đã có nhiều thỏa thuận ngừng bắn đạt được trước đó song việc các bên không tuân thủ một cách nghiêm túc đã gây ra nhiều thương vong cho dân thường Sudan.
Theo ông Volker Turk, đêm qua ông đã nhận được báo cáo về các máy bay chiến đấu bay qua và đụng độ ở một số khu vực của thủ đô Khartoum, bên cạnh đó xuất hiện các vụ bạo lực phi quân sự, trong đó có bạo lực tình dục, vi phạm nghiêm trọng quyền con người: “Các báo cáo rất đáng lo ngại về bạo lực tình dục ở Khartoum và Darfur đã được đưa ra. Chúng tôi biết ít nhất 25 trường hợp và chúng tôi chắc chắn rằng số trường hợp thực tế còn cao hơn rất nhiều. Tướng Al-Burhan, Tướng Dagalo cần phải đưa ra những chỉ thị rõ ràng, cho tất cả những người dưới quyền rằng không có sự khoan nhượng đối với bạo lực phi quân sự, thủ phạm phải chịu trách nhiệm. Thường dân phải được bảo vệ và các bên phải chấm dứt bạo lực vô nghĩa này ngay lập tức”.
Cùng với cảnh báo của Cao ủy Liên Hợp Quốc về quyền con người, hôm qua (24/5), Mỹ - bên trung gian quan trọng cho Thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên tại Sudan cũng khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện Thỏa thuận lần này và gây áp lực nếu có bên vi phạm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết: “Cách chúng tôi nhìn nhận cơ chế giám sát và những gì nó có thể đạt được có một chút khác biệt. Một là, để xác định các vi phạm lệnh ngừng bắn. Hai là, buộc các bên phải chịu trách nhiệm công khai về các hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn. Chúng tôi có thể sử dụng những biện pháp để gây áp lực riêng cho các bên. Mỹ đã có các cuộc tiếp xúc với những người đứng đầu hai bên kể từ khi xảy ra xung đột. Để chấm dứt bạo lực khi thấy vi phạm lệnh ngừng bắn, Mỹ sẽ không ngần ngại sử dụng những công cụ đó”.
Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo có hiệu lực từ 21h45 ngày 22/5 (giờ địa phương) và kéo dài 7 ngày. Thỏa thuận quy định “thành lập một ủy ban đặc biệt để thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, ủy ban này bao gồm đại diện của các bên hòa giải - gồm Saudi Arabia và Mỹ, cũng như SAF và RSF”.
Tuy nhiên, theo đánh giá việc thực hiện Thỏa thuận lần này cũng sẽ vô cùng khó khăn. Kể từ khi cuộc xung đột tại Sudan nổ ra (15/4), Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) từng nhiều lần đạt được Thỏa thuận ngừng bắn nhưng đều bị phá vỡ do vi phạm của cả hai bên.
Hiện cuộc xung đột tại Sudan đã kéo dài sang tuần thứ 6 và gây ra khủng hoảng nhân đạo trầm trọng tại quốc gia châu Phi này. Dự trữ thực phẩm, tiền mặt và nhu yếu phẩm đang cạn kiệt nhanh chóng. Các ngân hàng, đại sứ quán, kho viện trợ và thậm chí cả nhà thờ đã bị cướp bóc hàng loạt. Theo thống kê, xung đột đã khiến hơn 1,1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán hoặc di tản sang các nước láng giềng. Khoảng 705 người đã bị thiệt mạng và gần 5.300 người đã bị thương./.