Thời tiết nóng lên có thực sự khiến virus SARS-CoV-2 biến mất?
VOV.VN - Thời tiết nóng lên sẽ có tác dụng ức chế virus, tuy nhiên khó phân định rõ việc virus suy yếu là do thời tiết hay do các biện pháp phòng chống.
Việc các loại virus gây bệnh cúm nói chung thường phát triển mạnh trong môi trường lạnh, không khí khô và ít lây lan trong môi trường nóng khiến nhiều người hy vọng thời tiết nóng lên sẽ khiến virus SARS-CoV-2 biến mất. Tuy nhiên theo một số chuyên gia của Trung Quốc và nước ngoài, không nên quá kỳ vọng vào nhận định này.
Ảnh minh họa: CNN. |
Trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông sáng nay (5/3), bác sỹ Trương Văn Hồng – Tổ trưởng tổ chuyên gia điều trị dịch Covid-19 của Thượng Hải cho rằng, hiện tại rất khó có thể khẳng định thời tiết nóng lên có làm virus SARS-CoV-2 biến mất hay không. Theo bác sỹ Trương, thời tiết nóng lên sẽ có tác dụng ức chế virus, tuy nhiên sẽ khó phân định rõ việc virus suy yếu hay biến mất là do thời tiết hay do các biện pháp phòng chống.
Trước đó, ông Marc Lipsitch - giáo sư dịch tễ học của trường đại học Havard, Mỹ cho rằng virus corona xuất hiện theo mùa tuy nhiên không thể khẳng định virus SARS-CoV-2 có những đặc tính tương tự. Ông Marc Lipsitch cho biết, việc mọi người cho rằng virus gây dịch SARS (hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) năm 2003 biến mất vào mùa hè là hoàn toàn sai lầm. SARS được kiểm soát nhờ những nỗ lực y tế cộng đồng quyết liệt, chưa từng có của nhiều quốc gia, ông khẳng định dịch bệnh này không tự biến mất.
Trong khi đó, bà Jenifer Rohn – chuyên gia tế bào sinh vật của trường đại học London, Anh cho rằng, virus SARS-CoV-2 là loại virus hoàn toàn mới, do đó rất khó có thể khẳng định yếu tố thời tiết có liên quan đến sự phát triển của dịch bệnh, nếu muốn đưa ra kết luận chúng ta cần cần phải tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch trong thời gian tới.
Bà Jenifer Rohn nói: “Chúng ta không biết mùa hè sẽ xảy ra những gì, mặc dù có rất nhiều dự đoán nhưng chúng ta không thể khẳng định mùa hè tình hình dịch bệnh sẽ khả quan hơn. Chúng ta hy vọng vì một số bệnh hô hấp cũng tiến triển tốt khi thời tiết nóng lên. Tuy nhiên điều này không phải là tuyệt đối”.
Mặc dù xuất hiện từ đầu tháng 12/2019, tuy nhiên đến nay giới khoa học vẫn chưa xác định được nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 cũng như tìm ra thuốc đặc trị hay vaccine đối với loại virus này. Trong quá trình giải mã trình tự gen các mẫu bệnh phẩm viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra, các nhà khoa học đã phát hiện virus SARS-CoV-2 rất giống với chủng virus corona gây bệnh SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) giai đoạn 2002-2003 vốn có nguồn gốc từ loài dơi. Tuy nhiên mức gắn kết của virus mới này với thụ thể ACE2 cao hơn 10-20 lần so với virus gây ra dịch SARS- nguyên nhân khiến virus SARS-CoV-2 dễ lây truyền từ người sang người hơn./.