Thông điệp từ cái bắt tay lạnh nhạt của lãnh đạo Trung-Nhật
Cuộc gặp mặt chính thức bên lề APEC giữa Thủ tướng Nhật và Chủ tịch Trung Quốc là cử chỉ đầu tiên hướng tới việc hạ nhiệt căng thẳng kéo dài 2 năm nay.
Cuộc gặp rất được chờ đợi giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối cùng đã diễn ra hôm 10/11 bên lề diễn đàn APEC. Tuy nhiên, đó là một cái bắt tay lạnh nhạt, cảnh báo quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo không dễ tan băng.
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo của hai cường quốc châu Á hội đàm chính thức kể từ khi nhậm chức, và cũng là cử chỉ đầu tiên hướng tới việc hạ nhiệt căng thẳng, vốn đã kéo dài 2 năm. Chính vì vậy, cái bắt tay giữa ông Abe và ông Tập đã được dư luận hết sức chú ý.
Khi hai nhà lãnh đạo tiến về phía nhau trước ống kính máy quay, cả hai đều giữ bộ mặt nghiêm nghị, không một nụ cười. Ông Abe dường như đã định nói gì đó với ông Tập, nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc không đáp lại mà quay đi, tỏ vẻ không hào hứng thấy rõ. Ông không nhìn lại vị khách đến từ Nhật mà chỉ nhìn chằm chằm về phía máy quay.
Khoảnh khắc đầy căng thẳng này dường như đã cho thấy rõ cách biệt giữa hai nhà lãnh đạo này còn xa đến chừng nào. Mặc dù đã được chuẩn bị để bắt tay trước phóng viên báo giới, nhưng cái bắt tay giữa họ lại thiếu đi những yếu tố rất truyền thống của một cuộc gặp gỡ chính thức cấp cao, đó là quốc kỳ hai nước ở phông nền phía sau.
Cuộc hội đàm sau đó diễn ra trong một căn phòng kín tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh cũng chỉ kéo dài 30 phút. Dù vậy thì việc cuối cùng hai nhà lãnh đạo gặp nhau cũng nhen lên một hy vọng nào đó rằng, hai nước có thể giảm bớt những bất đồng trong các cuộc đối thoại bên lề hội nghị APEC.
Bắc Kinh và Tokyo từ lâu vẫn tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, và có thể lôi kéo Mỹ vào cuộc để bảo vệ đồng minh Nhật Bản.
“Bước đi đầu tiên”
Mặc dù mối bất đồng cốt lõi khó có thể được hóa giải một sớm một chiều, ông Abe vẫn nói với các phóng viên rằng đây là “bước đi đầu tiên” của hai nước hướng tới hòa giải.
“Tôi tin rằng không chỉ các nước láng giềng châu Á của chúng tôi mà nhiều nước khác từ lâu vẫn hy vọng Nhật và Trung Quốc đối thoại”, ông Abe nói. “Chúng tôi cuối cùng cũng đã đáp ứng kỳ vọng đó và có bước đi đầu tiên để cải thiện quan hệ”
Trung Quốc cũng tức giận về cái họ xem như hành động của Nhật nhằm xóa nhòa quá khứ chiến tranh trong thế kỷ 20, khi nước này xâm chiếm Trung Quốc, một nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai với 1,3 tỷ dân nước này.
Do đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc phải cân bằng giữa một bên phải tỏ ra không quá sốt sắng cải thiện quan hệ với Nhật, để làm đẹp lòng những khán giả trong nước, trong khi vẫn phải là một chính khách khi tiếp đón ông Abe trước thềm cuộc họp thượng đỉnh ngày 11/11 với các nhà lãnh đạo APEC khác.
Trong một cử chỉ đi ngược lại thông lệ ngoại giao, ông Tập đã buộc ông Abe phải chờ trong cuộc gặp mặt vừa qua, thay vì là người đến trước đón khách.
Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng miêu tả cuộc họp là “theo yêu cầu” của ông Abe, một cùm từ không được Bộ này sử dụng để nói về cuộc gặp giữa ông Tập và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng như các Bộ trưởng ngoại giao khác trong ngày 10/11.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc còn cho biết ông Tập đã hối thúc Nhật Bản “làm nhiều hơn những việc giúp tăng cường niềm tin giữa Nhật và các nước láng giềng, và có vai trò xây dựng trong việc gìn giữ sự ổn định và hòa bình trong khu vực”.
Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?
Mặc dù tâm lý chống Nhật vẫn còn mạnh mẽ trong dư luận Trung Quốc, việc ông Tập sẵn sàng gạt trở ngại này sang một bên để gặp ông Abe rõ ràng vẫn có ý nghĩa lớn, nhất là khi Trung Quốc đang muốn trở thành một đối trọng chính trị với phương Tây.
“Cuộc gặp đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Trung – Nhật, và đặt nền móng tốt cho những phát triển trong tương lai”, Feng Lei, một giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản tại đại học Fudan, Thượng Hải nói. “Trung Quốc cần một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định cho sự tăng trưởng của mình, và việc có thể vượt qua những sự đối nghịch sẽ có ý nghĩa quan trọng với cả hai phía”.
Tương tự, giáo sư châu Á học Jeff Kingston, tại đại học Temple, Tokyo cho biết, dù cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo còn lạnh nhạt, nó vẫn là một dấu hiệu tốt cho quan hệ song phương, khi cuộc gặp được diễn ra tại Đại lễ đường nhân dân, nơi đón tiếp trang trọng nhất của Trung Quốc.
“Đại lễ đường nhân dân – đó là một chỉ dấu của sự kính trọng. Nó đã vượt xa khỏi những cái gật đầu hay chào hỏi chiếu lệ mà nhiều người nhận định. Nó thực sự có vẻ sẽ tạo động lực cho tiến trình này”, ông Kingston nói.
Vấn đề còn lại là điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, sau nhiều tháng tràn ngập các bài viết chống Nhật trên báo giới nhà nước Trung Quốc, còn 2 năm trước, là những cuộc biểu tình đầy giận dữ bên ngoài đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh cùng làn sóng tẩy chay hàng Nhật.
Uichiro Niwa, cựu đại sứ Nhật tại Trung Quốc thì nhận định, cuộc gặp gỡ đánh dấu không gì khác ngoài việc “ông Tập Cận Bình và ông Abe cùng bước qua cánh cửa. Mọi thứ phải được khởi động từ giờ trở đi”.
Ông Niwa tin rằng khó có thể đạt được tiến bộ nào đối với các vấn đề gai góc nhất liên quan đến quần đảo tranh chấp và đền Chiến tranh Yasukuni. Nhưng hai bên có thể bắt đầu với những bước đi nhỏ hơn, từ các thỏa thuận đánh bắt, thỏa thuận về tài nguyên thiên nhiên, đầu tư và trao đổi thanh niên.
Với các nhà lãnh đạo hai nước “vấn đề lớn lúc này là liệu họ có thể hướng về phía trước và tránh những cử chỉ và tuyên bố đối đầu hay không”, ông Kingston nói. “Đó là một mối quan hệ rất mong manh. Do đó một cuộc họp không thể tạo ra bước ngoặt. Nhưng đó là một sự khởi đầu”./.