Thủ tướng Ấn Độ tới Mỹ nhằm định hình quan hệ giai đoạn mới

VOV.VN - Ngày 13/2 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng. Ông Modi là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ tư đến thăm Mỹ kể từ khi ông Trump trở lại nắm quyền. 

Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, các ưu tiên về cân bằng thương mại và kiểm soát nhập cư có thể ảnh hưởng lớn đến cách Mỹ định hình quan hệ với Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang tìm cách mở rộng hợp tác kinh tế, công nghệ và quốc phòng với Mỹ. Chuyến đi này của Thủ tướng Modi được cho sẽ đề cập nhiều nội dung quan trọng về quan hệ Mỹ - Ấn trong giai đoạn mới.

Mối quan tâm chính của Ấn Độ trong quan hệ với Mỹ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã trở thành một trong những nguyên thủ nước ngoài đầu tiên “xông đất” Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chuyến thăm sớm này phản ánh mối quan hệ gần gũi được duy trì giữa Thủ tướng Modi với các nhà lãnh đạo Mỹ trong hơn 1 thập kỷ vừa qua. Người ta thống kê rằng ông Modi đã có hơn 10 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với các Tổng thống Mỹ kể từ khi nắm quyền vào năm 2014. Ông Modi cũng đã xây dựng được mối quan hệ cá nhân tốt với Tổng thống Trump trong giai đoạn nhiệm kỳ đầu, và đây là cơ sở để Ấn Độ tự tin sẽ thúc đẩy mối quan hệ song phương với chính quyền Trump hiện tại bất chấp những biến động phức tạp hiện nay.

Dù có nhiều cơ sở tốt đẹp là vậy nhưng New Delhi cũng đang có nhiều điều phải lo lắng trước thềm chuyến thăm chính thức Mỹ lần này của Thủ tướng Modi. Điều này bắt nguồn từ những lời đe dọa đánh thuế trả đũa với các đối tác thương mại của Mỹ mà ông Donald Trump đưa ra kể từ khi trở lại Nhà Trắng.

Thời gian gần đây, nhận định của các hãng nghiên cứu thị trường uy tín như Morgan Stanley, Nomura … đều đi tới một điểm chung là: Ấn Độ nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước đề xuất áp thuế quan qua lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Lý do là vì mức thuế quan mà nước này áp dụng đối với hàng nhập khẩu của Mỹ cao hơn đáng kể so với mức thuế mà Mỹ đang áp với hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ. Chuyên gia Maeva Cousin của Bloomberg Economics chỉ ra rằng: mức thuế trung bình mà Ấn Độ áp dụng cho hàng nhập khẩu từ Mỹ cao hơn 10 điểm phần trăm so với mức thuế của Mỹ dành cho hàng hóa của Ấn Độ. Vì vậy, trong giai đoạn này, Ấn Độ cùng với Thái Lan có thể phải đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Mỹ để giảm thiểu các xung đột thương mại tiềm tàng.

Điều đáng lưu ý là ông Trump vẫn chưa làm rõ chính sách tiềm năng, bao gồm cả những quốc gia nào sẽ bị nhắm mục tiêu và trên cơ sở nào. Những sự bất định đó khiến ngay cả các đồng minh, các đối tác lớn của Mỹ, trong đó có Ấn Độ cũng phải dè dặt và tính toán. Họ phải mau chóng tìm cách xoa dịu tân Tổng thống Mỹ nhằm tránh nguy cơ chiến tranh thương mại bùng nổ.

Việc giữ mối quan hệ Ấn Mỹ ổn định và nằm trong quỹ đạo có thể dự đoán là nhiệm vụ quan trọng vào thời điểm này của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi.

Cách tiếp cận của Ấn Độ về thuế quan và thương mại 

Việc làm thế nào để làm vừa lòng tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về mặt kinh tế, thương mại đang là câu hỏi khiến nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đau đầu, chứ không riêng gì Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Nhưng điểm khác biệt là nhà lãnh đạo Ấn Độ đã có cơ hội sớm để gặp mặt và bàn thảo với chính quyền mới ở Mỹ các phương án để tránh xảy ra đối đầu về thương mại và thuế quan giữa hai nước, trong khi vẫn tiếp tục xu hướng hợp tác ngày càng thân thiết, gần gũi của đôi bên. Ngoài việc củng cố mối quan hệ cá nhân được xây dựng từ nhiệm kỳ trước của ông Trump, Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng sẽ mang tới Washington lần này hành trang gồm những ý tưởng hợp tác mới để cân bằng lại cán cân thương mại song phương, cũng như xóa đi ấn tượng rằng Ấn Độ đang áp thuế với hàng hóa Mỹ quá cao.

Theo chương trình dự kiến, hợp tác về năng lượng hạt nhân và thương mại năng lượng song phương ​​sẽ là trọng tâm của các cuộc gặp. Từ các lò phản ứng mô-đun nhỏ đến các hợp đồng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), các cuộc thảo luận có thể mở đường cho sự hợp tác Ấn Mỹ sâu sắc hơn trong lĩnh vực năng lượng. Ấn Độ đang tăng cường tiềm lực năng lượng hạt nhân như một phần trong chiến lược phi carbon hóa hỗn hợp năng lượng của mình. Theo Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ Hardeep Singh Puri, năng lượng hạt nhân, đặc biệt là các lò phản ứng nhỏ và mô-đun sẽ là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận của ông Modi với ông Trump. Ngoài ra, Ấn Độ cũng tìm kiếm các hợp đồng mua khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, cũng như cân nhắc việc mua cổ phần tại các nhà cung cấp LNG tại nước này, thông qua đó đầu tư chiến lược vào các cơ sở hạ tầng LNG của Mỹ.

Dù chưa rõ trong mối quan hệ song phương này, mức độ phụ thuộc lẫn nhau ra sao; nhưng Ấn Độ đang cho thấy sự chủ động đối thoại và lên các phương án để tháo gỡ những nút thắt tồn tại trong quan hệ song phương. Đó chính là điểm căn bản để tiếp tục bồi đắp thêm mối quan hệ Ấn Mỹ trong tương lai.

Mối quan hệ hợp tác chiến lược của QUAD?

Trước Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản cũng đã có chuyến thăm Mỹ, cả hai quốc gia này đều là thành viên quan trọng của Bộ tứ QUAD (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia). Tuy nhiên, tại thời điểm này, chưa thể khẳng định bất cứ kịch bản nào cho hợp tác trong khuôn khổ Đối thoại 4 bên về An ninh (QUAD) nơi Mỹ cùng Nhật Bản, Australia và Ấn Độ là thành viên.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang bận tâm với các ưu tiên đối nội và đối ngoại sát sườn hơn, trong đó có việc cải tổ bộ máy hay cân bằng lại quan hệ thương mại với các đối tác trên thế giới. Bởi vậy, các cam kết với QUAD khó có thể xuất hiện trong ngắn hạn.

Dù vậy, chỉ dấu đầu tiên về sự quan tâm của chính quyền Trump 2.0 dành cho QUAD. Đó là cuộc họp Ngoại trưởng của nhóm diễn ra tại Washington ngay sau lễ nhậm chức của Tổng thống Trump. Ngoài ra, cần nhắc lại rằng nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump là thời điểm nước Mỹ đã thổi luồng sinh khí mới vào QUAD – một cơ chế vốn ra đời để giải quyết cuộc khủng hoảng động đất sóng thần năm 2004 tại Ấn Độ Dương. Giai đoạn cầm quyền đầu tiên của ông Trump đánh dấu sự nối lại đối thoại giữa 4 quốc gia “đồng chí hướng” với tư cách là những người ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ trên biển, và tự do hàng hải, hàng không ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Trong giai đoạn cầm quyền đầu tiên, chính đương kim Tổng thống Mỹ đã tiến hành đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) trước đây của Lực lượng vũ trang Mỹ thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM), một chỉ dấu cho thấy nhu cầu về một cách tiếp cận an ninh thống nhất.

Việc chính quyền Trump nhấn mạnh nhiều vào các vấn đề thương mại với thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc thời gian qua không thể che dấu được thực tế là nước Mỹ vẫn đặt ưu tiên vào an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây được coi là lợi ích sống còn đối với các trật tự địa chính trị và kinh tế của Mỹ dưới thời Trump. Với quan điểm này, Mỹ sẽ vẫn dành đủ nguồn lực và sự hợp tác với các đồng minh, đối tác để đảm bảo cho trật tự này không bị xáo trộn. Do đó, các cơ chế hợp tác như QUAD rất quan trọng đối với lợi ích của chính quyền Trump. Điều này cũng song hành với việc ông Trump ủng hộ các quan hệ đối tác an ninh, thay vì việc Mỹ đóng vai trò là nhà cung cấp an ninh duy nhất. 

Một điểm cần lưu ý là trong 5 năm qua, dưới thời chính quyền Joe Biden,  chương trình nghị sự của QUAD đã được mở rộng đáng kể, vượt ra ngoài phạm vi an ninh truyền thống. Do đó, thế giới cần thêm thời gian để có thể đánh giá hết mức độ cam kết của Tổng thống Mỹ đương nhiệm đối với các vấn đề không liên quan đến an ninh trong QUAD.

Ấn Độ nhận lại 104 công dân đầu tiên bị Mỹ trục xuất

VOV.VN - Chiều 5/2, chiếc máy bay quân sự C-17 chở 104 công dân Ấn Độ bị Mỹ trục xuất vì nhập cư bất hợp pháp đã hạ cánh tại sân bay thành phố ở Amritsar, bang Punjab, Tây Bắc Ấn Độ. Đây là những người Ấn Độ nhập cư trái phép đầu tiên được Mỹ gửi trả về nơi họ xuất phát.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ấn Độ sẽ lựa chọn Su-57 của Nga hay F-35 của Mỹ?
Ấn Độ sẽ lựa chọn Su-57 của Nga hay F-35 của Mỹ?

VOV.VN - Câu hỏi về lựa chọn giữa Su-57 hay F-35 phức tạp hơn nhiều vì các hợp đồng mua sắm vũ khí lớn không bao giờ chỉ dựa vào đặc tính kỹ thuật. Các yếu tố địa chính trị thường đóng vai trò chủ quan trong quá trình ra quyết định.

Ấn Độ sẽ lựa chọn Su-57 của Nga hay F-35 của Mỹ?

Ấn Độ sẽ lựa chọn Su-57 của Nga hay F-35 của Mỹ?

VOV.VN - Câu hỏi về lựa chọn giữa Su-57 hay F-35 phức tạp hơn nhiều vì các hợp đồng mua sắm vũ khí lớn không bao giờ chỉ dựa vào đặc tính kỹ thuật. Các yếu tố địa chính trị thường đóng vai trò chủ quan trong quá trình ra quyết định.

Mỹ bắt đầu trục xuất người Ấn Độ nhập cư bất hợp pháp về nước
Mỹ bắt đầu trục xuất người Ấn Độ nhập cư bất hợp pháp về nước

VOV.VN - Ngày 3/2, một máy bay quân sự C-17 của Mỹ chở 205 công dân Ấn Độ bị trục xuất vì nhập cảnh trái phép đã rời bang Texas, Mỹ.

Mỹ bắt đầu trục xuất người Ấn Độ nhập cư bất hợp pháp về nước

Mỹ bắt đầu trục xuất người Ấn Độ nhập cư bất hợp pháp về nước

VOV.VN - Ngày 3/2, một máy bay quân sự C-17 của Mỹ chở 205 công dân Ấn Độ bị trục xuất vì nhập cảnh trái phép đã rời bang Texas, Mỹ.

Mỹ, Ấn Độ mở rộng và củng cố hợp tác
Mỹ, Ấn Độ mở rộng và củng cố hợp tác

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/1 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hai bên đã thảo luận việc mở rộng và củng cố hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ.

Mỹ, Ấn Độ mở rộng và củng cố hợp tác

Mỹ, Ấn Độ mở rộng và củng cố hợp tác

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/1 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hai bên đã thảo luận việc mở rộng và củng cố hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ.