Thủ tướng Armenia bị phe đối lập tại phiên họp của Quốc hội yêu cầu từ chức
VOV.VN - Ngày 4/5, trong phiên họp “giờ của chính phủ” tại Quốc hội, các đại biểu của các phái đối lập "Armenia" và "Tôi có vinh dự" đã yêu cầu Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan từ chức.
Các đại biểu của các phái đảng đối lập đã rời khỏi hội trường trong khi Thủ tướng Pashinyan trả lời. Trong khi đó, hàng nghìn người ủng hộ phe đối lập đã đứng trước tòa nhà quốc hội, nơi được lực lượng cảnh sát đặc nhiệm phong tỏa.
Trong diễn biến liên quan, những người phản đối Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã dựng cờ của Cộng hòa Nagorno-Karabakh không được công nhận trong tòa nhà của Bộ Ngoại giao trong cuộc tuần hành phản đối ở thủ đô Yerevan.
Phe đối lập đã tổ chức các cuộc biểu tình khắp Armenia kể từ ngày 25/4, và hàng nghìn người đã biểu tình ở Yerevan vào ngày 1/5 và 2/5. Lý do của sự không hài lòng là những tuyên bố gần đây của Thủ tướng Nikol Pashinyan nói rằng, cộng đồng quốc tế kêu gọi Armenia hạ thấp quy chế đối với tình trạng của Cộng hòa Nagorno-Karabakh chưa được công nhận.
Phe đối lập cáo buộc người đứng đầu chính phủ có ý định “bàn giao Karabakh" và yêu cầu ông từ chức. Những người phản đối Thủ tướng tuyên bố rằng, chính sách của ông không chỉ đe dọa bằng những nhượng bộ mới mà còn mất địa vị nhà nước.
Trước đó, phe đối lập rất lo lắng về các cuộc đàm phán đang diễn ra về việc ký kết hiệp ước hòa bình và phân định biên giới giữa Armenia với Azerbaijan. Theo ý kiến của họ, Thủ tướng Pashinyan sẵn sàng hy sinh lợi ích của Nagorno-Karabakh vì sự ủng hộ của châu Âu. Có nghĩa là ký Hiệp ước Hòa bình và một thỏa thuận về phân định biên giới mà không gắn những vấn đề này với việc hợp pháp hóa quy chế của Nagorno-Karabakh.
Vào tháng 11/2020, Armenia và Azerbaijan, với sự tham gia của Nga, đã ký một thỏa thuận về việc chấm dứt các hành động thù địch ở Nagorno-Karabakh, bùng phát hồi tháng 9. Theo tài liệu, phía Azerbaijan và Armenia đã dừng tại vị trí của họ, một số khu vực thuộc quyền kiểm soát của Baku, và lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã được triển khai dọc theo đường liên lạc và hành lang Lachin.
Tiếp đó, với sự trung gian của Nga, các bên cũng đã đạt được các thỏa thuận vào ngày 11/1 và ngày 26/11/2021, bao gồm các biện pháp khôi phục quan hệ kinh tế và giao thông trong khu vực./.