Thủ tướng Đức lần đầu thăm Mỹ: Tìm kiếm tiếng nói chung về vấn đề Ukraine

VOV.VN - Trong bối cảnh các nước phương Tây đang dồn sự chú ý vào những diễn biến xung quanh vấn đề Ukraine và mối quan hệ với Nga, cuộc gặp và hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Đức và Mỹ được cho là nhằm tìm kiếm quan điểm chung trong vấn đề này.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có chuyến công du Mỹ lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức. Trong đó đáng chú ý là cuộc hội đàm quan trọng giữa ông Olaf Scholz với Tổng thống Mỹ Joe Biden bàn các vấn đề hiện tại của an ninh ở châu Âu.

Quan hệ Mỹ - Đức dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz

Đức là một trong những đồng minh thân cận và quan trọng nhất của Mỹ ở châu Âu và khác với chính quyền tiền nhiệm, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách củng cố và tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác, trong đó có Đức. Tổng thống Biden từng hủy bỏ kế hoạch của người tiền nhiệm nhằm rút toàn bộ binh sỹ Mỹ khỏi Đức, mời cựu Thủ tướng Angela Merkel tới Nhà Trắng và từ bỏ trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2, dự án mà cả Mỹ và các đồng minh NATO khác đều lo ngại sẽ trở thành một công cụ mạnh mẽ giúp Nga đe dọa châu Âu. Tất cả các động thái này đều cho thấy Mỹ rất coi trọng vai trò của Đức tại châu Âu và muốn hàn gắn quan hệ với nước này sau 4 năm lạnh nhạt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Đức hiện đang là chủ tịch của nhóm G7 và chương trình nghị sự của Đức chính là những ưu tiên của chính quyền Tổng thống Biden, bao gồm hợp tác trong ứng phó với đại dịch Covid-19, giải quyết mối đe dọa biến đổi khí hậu, thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và an ninh quốc tế dựa trên các giá trị dân chủ chung.

Nhà Trắng đã ra thông báo nhấn mạnh rằng Tổng thống Biden coi chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz là một cơ hội tốt để làm sâu rộng quan hệ giữa hai nước và việc Thủ tướng Olaf Scholz thăm Mỹ chỉ sau hai tháng nhậm chức đã cho thấy tầm quan trọng mà Mỹ dành cho mối quan hệ song phương với Đức và ngược lại. Cuộc gặp này cũng là cơ hội để Tổng thống Biden xây dựng quan hệ cá nhân với Thủ tướng Olaf Scholz cũng như để hai bên thảo luận những bất đồng và trao đổi về các vấn đề toàn cầu mà cả hai nước đều đang phải đối mặt hiện nay bao gồm vấn đề giữa Nga và Ukraine.

Với thông điệp nước Mỹ đã trở lại, Tổng thống Biden đang muốn tái khẳng định vị thế và vai trò số 1 của Mỹ trên trường quốc tế và để làm được điều này thì không thể thiếu sự hỗ trợ và hợp tác của các đồng minh trong đó có Đức với vai trò rất lớn ở châu Âu và NATO nói riêng. Chính vì vậy, quan hệ và hợp tác Mỹ - Đức sẽ tiếp tục được gia tăng dưới thời tân Thủ tướng Olaf Scholz và điều đó sẽ phần nào đó được thể hiện qua nội dung chuyến thăm Mỹ lần này.  

Kỳ vọng của Đức

Chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Mỹ diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, đó là quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây xoay quanh vấn đề Ukraine đang bước vào những giai đoạn có thể nói là mang tính chất quyết định và bầu không khí căng thẳng này đang bao trùm các vấn đề khác trong quan hệ song phương Mỹ - Đức. Trọng tâm thảo luận giữa ông Olaf Scholz với Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng là về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay với Nga và việc hai nước thể hiện quan điểm trong vấn đề này ra sao sẽ có tác động rất lớn đến quan hệ giữa Mỹ và Đức trong tương lai.

Đối với ông Olaf Scholz thì đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Đức với Tổng thống Mỹ Joe Biden nên việc đầu tiên đó là phải làm quen với nhau, trao đổi với nhau về những ưu tiên của cả hai phía. Chính quyền Đức đương nhiên muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ chiến lược truyền thống quan trọng với Mỹ, đặc biệt là thúc đẩy xu hướng cải thiện quan hệ rất rõ sau khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ thay ông Donald Trump. Trong vòng 1 năm qua, chính quyền của ông Joe Biden đã có những động thái rất tích cực với Đức, thậm chí luôn tán dương Đức là đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong Liên minh châu Âu. Điều này khác hẳn thời ông Donald Trump, khi ông Trump công khai chỉ trích Đức về rất nhiều vấn đề, từ việc đóng góp ngân sách quân sự cho NATO cho đến đe dọa chiến tranh thương mại với Đức. Do đó, ưu tiên lớn nhất của ông Olaf Scholz là duy trì và thúc đẩy động lực tích cực trong quan hệ Mỹ-Đức.

Một nhiệm vụ rất quan trọng khác của ông Olaf Scholz đó là xây dựng vị thế cá nhân bởi trong đánh giá của chính giới và học giả Mỹ, ông Olaf Scholz hiện tại vẫn chỉ được xem là người kế nhiệm bà Angela Merkel. Bản tính cá nhân kín đáo, ít xuất hiện trước truyền thông khiến ông Olaf Scholz chưa được đánh giá cao, chưa được xem là lãnh đạo hàng đầu của EU, tương ứng với vị thế nền kinh tế số 1 châu Âu của nước Đức, như bà Angela Merkel trước kia, đặc biệt trong bối cảnh an ninh căng thẳng tại châu Âu hiện nay. Vì thế, đây cũng sẽ là một thách thức mà ông Olaf Scholz cần nhanh chóng vượt qua.

Tìm kiếm điểm chung

Nội dung chính của cuộc trao đổi giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Olaf Scholz là tình hình ở Ukraine và Nga. Chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz chính là nhằm trấn an Mỹ rằng các nước châu Âu vẫn đoàn kết để đối phó với các mối đe dọa và ngay cả khi nước Đức vẫn kiên quyết từ chối cấp vũ khí cho Ukraine, Thủ tướng Olaf Scholz đã một lần nữa cảnh báo Nga về những hậu quả nghiêm trọng nếu nước này xâm phạm lãnh thổ Ukraine. Thủ tướng Olaf Scholz cũng muốn các bên hiểu rằng Đức không phải là mắt xích yếu trong mặt trận châu Âu và Mỹ thống nhất đoàn kết chống Nga. Thủ tướng Olaf Scholz đến Washington với một thông điệp rõ ràng rằng Đức sẵn sàng đứng cùng chiến tuyến với liên minh phương Tây trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Hai bên đã trao đổi các mối quan ngại chung về việc Nga tăng cường quân ở biên giới với Ukraine cũng như cam kết chung đối với các nỗ lực ngoại giao hiện nay nhằm kêu gọi Nga xuống thang căng thẳng cũng như răn đe nước này đối với kế hoạch tấn công Ukraine. Ngoài ra, nội dung cuộc họp cũng bao gồm nỗ lực chuẩn bị một gói trừng phạt trong trường hợp Nga tấn công Ukraine.

Trong những ngày qua, chính phủ Đức cũng như cá nhân ông Olaf Scholz bị chỉ trích tương đối nhiều vì cách tiếp cận bị cho là bị động và tương đối né tránh trong việc xử lý căng thẳng với Nga. Trong khi Mỹ và nhiều nước châu Âu trong NATO thể hiện quan điểm cứng rắn với Nga, triển khai thêm quân đến sườn Đông của châu Âu, tại lãnh thổ các nước thành viên NATO như Ba Lan, Romania hay các nước Baltic, đồng thời viện trợ vũ khí cho Ukraine thì chính phủ Đức có rất ít động thái mạnh mẽ.

Đức phản đối việc gửi vũ khí cho Ukraine vì luật pháp Đức cấm viện trợ vũ khí cho các bên đang trong xung đột, thay vào đó chỉ gửi cho Ukraine 5.000 mũ sắt bảo hiểm cho binh lính. Đức cũng không tuyên bố gửi thêm quân đến các nước NATO ở phía Đông. Quan trọng nhất, mặc dù chính phủ Đức và cá nhân ông Olaf Scholz luôn tuyên bố chính phủ Đức không loại trừ bất cứ kịch bản trừng phạt nào đối với Nga nhưng Đức chưa một lần chính thức nhắc đến khả năng hủy bỏ dự án đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 2” trị giá 10 tỷ euro, dẫn khí từ Nga trực tiếp sang Đức.

Do đó, Mỹ cũng như nhiều đồng minh phương Tây hiện đang chỉ trích chính phủ Đức tương đối mạnh và cho rằng chính phủ của ông Olaf Scholz quá phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, qua đó sẽ làm suy giảm sự đoàn kết của phương Tây và khiến các gói trừng phạt mà phương Tây dự tính áp dụng với Nga kém hiệu quả.

Trong cuộc gặp tại Washington giữa ông Biden và ông Olaf Scholz, đây cũng là câu hỏi bị xoáy nhiều nhất và trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định “nếu Nga tấn công Ukraine thì sẽ không có dự án Dòng chảy phương Bắc 2” thì ông Olaf Scholz vẫn tránh đề cập trực tiếp đến dự án này, chỉ khẳng định “Mỹ và Đức đoàn kết và sẽ cùng hành động”.

Việc chính phủ Đức và cá nhân ông Olaf Scholz miễn cưỡng khi đề cập đến việc đe dọa hủy bỏ dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là điều dễ hiểu bởi đây là dự án có giá trị lớn và mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho Đức, nước vốn nhập khẩu trên một nửa tổng số khí đốt từ Nga. Tại châu Âu, Đức chính là nước có nguy cơ tổn thất kinh tế lớn nhất nếu phương Tây trừng phạt Nga nên chính phủ Đức buộc phải đàm phán, thương lượng với các đồng minh phương Tây về việc chia sẻ gánh nặng.

Ngoài ra, giống như Pháp, Đức có quan điểm ôn hòa hơn với Nga so với nhiều nước phương Tây khác. Các chính quyền Đức vẫn cho rằng cần tìm giải pháp chính trị lâu dài cho an ninh châu Âu thông qua đối thoại với Nga chứ không phải gia tăng đối đầu. Đây là tư duy chiến lược mà Đức không sớm từ bỏ dù chịu sức ép từ nhiều đồng minh phương Tây./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổng thống Mỹ: Nếu Nga tấn công Ukraine, sẽ không có Dòng chảy phương Bắc 2
Tổng thống Mỹ: Nếu Nga tấn công Ukraine, sẽ không có Dòng chảy phương Bắc 2

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua (7/2) cảnh báo nếu Nga tấn công Ukraine thì sẽ không có Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên ông không nói rõ sẽ làm gì để đảm bảo đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không được sử dụng.

Tổng thống Mỹ: Nếu Nga tấn công Ukraine, sẽ không có Dòng chảy phương Bắc 2

Tổng thống Mỹ: Nếu Nga tấn công Ukraine, sẽ không có Dòng chảy phương Bắc 2

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua (7/2) cảnh báo nếu Nga tấn công Ukraine thì sẽ không có Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên ông không nói rõ sẽ làm gì để đảm bảo đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không được sử dụng.

Ván cược lớn của ông Macron: Ngăn chiến tranh Nga - Ukraine, định hình trật tự châu Âu mới
Ván cược lớn của ông Macron: Ngăn chiến tranh Nga - Ukraine, định hình trật tự châu Âu mới

VOV.VN - Căng thẳng giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine có thể trao cho Tổng thống Pháp Macron cơ hội để giữ vị trí trung tâm trong tiến trình ngoại giao hiện nay và xây dựng một trật tự an ninh mới ở châu Âu.

Ván cược lớn của ông Macron: Ngăn chiến tranh Nga - Ukraine, định hình trật tự châu Âu mới

Ván cược lớn của ông Macron: Ngăn chiến tranh Nga - Ukraine, định hình trật tự châu Âu mới

VOV.VN - Căng thẳng giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine có thể trao cho Tổng thống Pháp Macron cơ hội để giữ vị trí trung tâm trong tiến trình ngoại giao hiện nay và xây dựng một trật tự an ninh mới ở châu Âu.

Nga và Pháp có mối quan tâm chung về tình hình an ninh ở châu Âu
Nga và Pháp có mối quan tâm chung về tình hình an ninh ở châu Âu

VOV.VN - Tối 7/2 (theo giờ Moscow), tại Điện Kremlin đã diễn ra cuộc hội đàm của Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Pháp Macron nhân chuyến thăm Moscow của ông.

Nga và Pháp có mối quan tâm chung về tình hình an ninh ở châu Âu

Nga và Pháp có mối quan tâm chung về tình hình an ninh ở châu Âu

VOV.VN - Tối 7/2 (theo giờ Moscow), tại Điện Kremlin đã diễn ra cuộc hội đàm của Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Pháp Macron nhân chuyến thăm Moscow của ông.