Thủ tướng Đức: “Quan hệ với Nga không thể trở lại như trước kia”
VOV.VN - Chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại Đức, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố cuộc chiến tại Ukraine đã thay đổi tất cả và quan hệ giữa các nước G7 với Nga sẽ không bao giờ quay trở lại như trước kia, đồng thời thông báo G7 sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Elmau (bang Bavaria, miền Nam nước Đức) bước sang ngày làm việc thứ hai trong ngày 27/6, với các diễn biến đáng chú ý là việc các nguyên thủ G7 hội đàm trực tuyến với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky nhằm thảo luận các biện pháp hỗ trợ tiếp theo dành cho Ukraine về mặt tài chính và quân sự.
Trong thông cáo đưa ra sau cuộc thảo luận với Tổng thống Ukraine, nhóm G7 tuyên bố sẽ trợ giúp Ukraine lâu dài về tất cả các mặt tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao cho đến khi nào Ukraine còn có nhu cầu được trợ giúp, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga, trong đó có ý định áp giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga nhằm hạn chế nguồn thu năng lượng của Nga.
Về các biện pháp cụ thể trợ giúp Ukraine, G7 cho biết chuẩn bị phê chuẩn gói tài chính trị giá 29,5 tỷ USD cho Ukraine nhằm giúp chính quyền nước này duy trì hoạt động trong những tháng tới. Trước đó, phía Ukraine cho biết trong tình hình chiến tranh hiện nay khiến nền kinh tế gần như tê liệt, Ukraine cần ít nhất mỗi tháng 5 tỷ USD để duy trì hoạt động của bộ máy nhà nước.
Về mặt quân sự, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc giục G7 và các nước phương Tây gia tăng viện trợ vũ khí hạng nặng, đặc biệt là các hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa và theo một số nguồn tin từ các quan chức G7, nhiều khả năng Mỹ sẽ sớm cung cấp cho Ukraine hệ thống vũ khí này.
Phát biểu trong buổi họp báo cuối ngày 27/6 sau khi kết thúc ngày làm việc thứ 2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận định, cuộc chiến tại Ukraine đã và đang tạo ra những biến động mạnh mẽ, khiến không một ai biết điều gì sẽ diễn ra trên thế giới trong vài tháng tới. Vì thế, quan hệ giữa các nước phương Tây với Nga sẽ không bao giờ có thể quay trở lại như thời điểm trước khi cuộc chiến bắt đầu.
“Nhóm các nước G7 đã thống nhất với nhận định rằng, sự kiện này sẽ tạo ra rất nhiều biến đổi dài hạn, sẽ tác động đến quan hệ quốc tế trong một thời gian rất dài. Do đó cần phải rõ ràng: quan hệ với Nga sẽ không thể quay trở lại như trước khi nổ ra cuộc chiến. Bởi lẽ khi tình hình thay đổi, chúng tôi cũng cần thay đổi. Tất cả mọi người đều hiểu rõ điều đó”.
Trong ngày 27/6, ngoài các thảo luận chính liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, các lãnh đạo G7 cũng đã họp bàn cùng nguyên thủ các quốc gia khách mời của Thượng đỉnh G7 năm nay là Ấn Độ, Indonesia, Senegal, Argentina và Nam Phi về các chủ đề như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, năng lượng, y tế, nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Ngoài ra, một chủ đề khác cũng gây chú ý tại Thượng đỉnh G7 lần này là về Hội nghị Thượng đỉnh nhóm nước G20 được tổ chức tại Indonesia vào tháng 11/2022, với dự kiến có sự góp mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là chủ đề đang gây chia rẽ trong nội bộ các nước phương Tây. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông sẽ chỉ quyết định việc có tham dự Thượng đỉnh G20 hay không vào phút cuối cùng và không loại trừ khả năng sẽ tẩy chay hội nghị này nếu Tổng thống Nga tham dự.
Trong khi đó, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen thì lại cho rằng châu Âu cần góp mặt tại Thượng đỉnh G20 và gặp mặt trực tiếp Tổng thống Nga để nói về cuộc chiến tại Ukraine nếu nhà lãnh đạo Nga tham dự. Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo dự kiến sẽ thăm Nga và Ukraine để thảo luận về chủ đề này ngay sau khi kết thúc Thượng đỉnh G7. Trong ngày 28/6, Thượng đỉnh G7 sẽ bế mạc và các bên sẽ ra Tuyên bố chung./.