Thủ tướng Hungary và sứ mệnh hòa bình
VOV.VN - Sau khi hoàn thành “sứ mệnh hòa bình 3.0” khi tới thăm Trung Quốc, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiếp tục lên đường thăm Mỹ và tham dự cuộc họp thượng đỉnh NATO ở Washington. Bỏ ngoài tai những lời chỉ trích từ đồng minh ở châu Âu, sứ mệnh hòa bình 4.0 tại Mỹ của nhà lãnh đạo Hungary đang được dư luận quan tâm.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 8/7 đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vài ngày sau khi ông tới thăm Ukraine và Nga để thảo luận về các đề xuất hòa bình cho cuộc xung đột nóng nhất tại châu Âu.
Khi hạ cánh xuống sân bay ở Bắc Kinh, Trung Quốc, Nhà lãnh đạo Hungary, nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, đã đăng dòng trạng thái “Sứ mệnh hòa bình 3.0” trên mạng xã hội X, tức chặng dừng chân thứ 3 trong mục tiêu tìm kiếm hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine và an ninh cho châu Âu.
Ông Orban cho biết: “Trung Quốc là cường quốc chủ chốt trong việc tạo điều kiện cho hòa bình trong cuộc xung đột Ukraine” và đó là lý do ông đến Trung Quốc lần này, chỉ 2 tháng sau khi Nhà lãnh đạo Trung Quốc tới thăm Hungary. Thủ tướng Orban cũng đánh giá cao kế hoạch hòa bình 6 điểm của Trung Quốc và Brazil, nhằm giải quyết của xung đột này.
Tiếp đón Thủ tướng Hungary, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, cộng đồng quốc tế nên tạo điều kiện để nối lại đối thoại và đàm phán trực tiếp cho Nga và Ukraine, đồng thời cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho một giải pháp chính trị. Để đạt được điều đó, một lệnh ngừng bắn sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Chuyến đi của Thủ tướng Hungary tới Trung Quốc diễn ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến giải quyết việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và sau khi Ủy ban châu Âu xác nhận vào tuần trước rằng họ sẽ áp thuế lên tới 37,6% đối với xe điện nhập khẩu sản xuất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, trước và trong chuyến thăm Trung Quốc của Nhà lãnh đạo Hungary, một số nhà lãnh đạo EU cho biết, vai trò chủ tịch EU của Hungary không có nghĩa là Thủ tướng Orban đại diện cho khối 27 quốc gia.
Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck cho biết, ông Orban không đại diện cho châu Âu và chính trị Hungary thường không đại diện cho cốt lõi suy nghĩ của EU.
Dù vì mục đích hòa bình cho Ukraine, song các chuyến thăm Nga hay Trung Quốc của Thủ tướng Orban cũng không được giới chức Ukraine hoan nghênh, thậm chí còn bị chỉ trích. Ukraine đã thẳng thắn nói về những tiêu chuẩn của một nước trung gian hòa giải là cần hiểu được bản chất vấn đề, cần biết quan điểm và mục tiêu của Ukraine và phải có sự kiên nhẫn với nhiều cuộc đàm phán công khai lẫn họp kín với các bên khác nhau. Kiev ám chỉ Hungary chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn này.
Bỏ qua những lời chỉ trích đó, Thủ tướng Hungary vẫn khẳng định: “Nửa năm tới đây trên cương vị chủ tịch EU, Hungary sẽ được thực hiện công việc của mình - một sứ mệnh hòa bình. Tôi muốn tìm ra con đường ngắn nhất dẫn đến hòa bình là gì. Tổng thống Nga đang nghĩ gì về mối quan giữa lệnh ngừng bắn và đàm phán hòa bình? Liệu có thể ngừng bắn trước khi đàm phán hòa bình không? Cần nhiều bước để kết thúc xung đột, nhưng chúng tôi đã thực hiện được bước quan trọng đầu tiên để khôi phục đối thoại và tôi sẽ tiếp tục thực hiện công việc này.”
Sau Trung Quốc, Thủ tướng Hungary Orban tiếp tục lên đường tới Mỹ với sứ mệnh hòa bình 4.0. Tại đây, ông cũng sẽ dự hội nghị thượng đỉnh NATO – nơi sẽ bàn về việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine – điều mà Hungary lâu nay vẫn phản đối. Điều này càng khiến thế giới quan tâm hơn đến chuyến thăm Mỹ của Nhà lãnh đạo Hungary trong những ngày tới.