Thủ tướng Iraq tới Mỹ xin viện trợ quân sự
VOV.VN - Ông Maliki nêu ra Iraq cần các vũ khí tấn công mạnh để ứng phó với tình trạng bạo lực gia tăng.
Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki hôm 29/10 bắt đầu chuyến công du tới đến Mỹ để tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự khẩn cấp từ chính phủ Mỹ nhằm đối phó với làn sóng bạo lực tồi tệ nhất ở quốc gia Trung Đông này trong nhiều năm qua, cướp đi sinh mạng của hơn 7.000 dân thường Iraq từ đầu năm đến nay.
Thủ tướng Maliki dự kiến có cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama tập trung vào vấn đề viện trợ và vũ trang để kiềm chế các chiến dịch gây bất ổn của người Sunni để phản đối chính phủ do người Shi’ite nắm giữ.
Ông Maliki ở Mỹ (ảnh: rudaw) |
Phát biểu trước khi lên đường tới Mỹ, ông Maliki cho biết: “Chúng tôi thực sự cần những loại vũ khí phòng thủ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Iraq. Hai nước đã có thỏa thuận về vấn đề này. Nhưng vấn đề khẩn cấp mà chúng tôi sẽ thảo luận trong cuộc họp cấp cao ủy ban an ninh chung là phải hỗ trợ cho Iraq cả những loại vũ khí tấn công để lần theo dấu các nhóm vũ trang cực đoan và khủng bố. Những loại vũ khí này gồm các loại máy bay cũng như các vũ khí chống khủng bố, nhưng không bao gồm máy bay F16”.
Ông Maliki cũng cho biết, lãnh đạo Iraq và Mỹ có thể thảo luận về những thách thức chung của khu vực do các băng nhóm khủng bố ở Syria có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al Qaeda và tổ chức cực đoan Mặt trận Al-Nusra gây ra.
Ông Maliki cho rằng, lực lượng an ninh của Iraq cũng cần được trang bị tốt hơn để sẵn sàng ứng phó với tình trạng bạo lực có thể lan rộng.
Các quan chức Iraq cho rằng, an ninh nội địa của nước này xuống cấp một phần lớn là do cuộc chiến ở nước láng giềng Syria đã khoét sâu thêm những mâu thuẫn giữa 2 cộng đồng Hồi giáo Sunni và Shi’ite trong cả khu vực.
Đầu năm nay, một nhánh của mạng lưới Al Qaeda ở Syria và Iraq tự đứng ra tuyên bố thành lập một “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levan”. Nhóm này thường xuyên tiến hành các vụ tấn công ở biên giới Syria và Iraq. Tuy nhiên, những người chỉ trích ông Maliki cho rằng, làn sóng bạo lực dâng cao hiện nay chủ yếu là do sự phẫn nỗ của nhóm thiểu số Sunni dưới sự lãnh đạo của chính quyền người Shi’ite hơn là do ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Syria./.