Thủ tướng Italia lo ngại chính phủ rơi vào bất ổn
VOV.VN-Thủ tướng Letta cảnh báo, Italia sẽ có một chính phủ không ổn định nếu ông không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.
Thủ tướng Italia Letta cảnh báo rằng, nước này sẽ có một chính phủ không ổn định nếu ông không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào hôm nay.
Thủ tướng Letta phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm (Ảnh AP) |
Phát biểu tại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, ông Letta nói: “Đất nước đang rơi vào nguy cơ. Ngăn chặn nguy cơ này đang phụ thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta, những người đang có mặt tại đây. Tôi kêu gọi tất cả các nghị sỹ Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm để thực hiện mục tiêu của chúng ta. Hãy bỏ phiếu cho những gì mà chúng ta đã thực hiện trong vài tháng qua. Cuộc bỏ phiếu này không nhằm chống lại ai, mà đây là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho đất nước Italia”.
Kịch bản tồi tệ của Italia bắt nguồn sau khi chính phủ kỹ trị của Italia đã sụp đổ khi ông Berlusconi rút 5 Bộ trưởng của mình ra khỏi chính phủ liên minh. Nguồn gốc của xung đột này xảy ra sau khi Tòa án tối cao Italia kết tội ông Berlusconi gian lận thuế và ra phán quyết cấm nhân vật chính trị nhiều điều tiếng này giữ các chức vụ Nhà nước và các chức vị tại Quốc hội trong vòng 5 năm.
Đây là mấu chốt khiến ông Berlusconi và đảng Nhân dân tự do bắt đầu gây áp lực lên chính phủ của Thủ tướng Letta với hy vọng tìm ra một giải pháp chính trị cho phép người đứng đầu đảng Nhân dân tự do có thể tiếp tục ngồi lại trong Quốc hội. Bởi, nếu mất ghế nghị sĩ, ông Berlusconi sẽ không còn quyền miễn tố và gặp nhiều bất lợi trong các phiên tòa mà ông sẽ phải đối mặt trong thời gian tới như vụ cáo buộc mua chuộc đại biểu Quốc hội để lật đổ chính phủ trung tả của Romano Prodi hồi năm 2008.
Theo giới quan sát, Thủ tướng Letta hiện đang nhận được sự ủng hộ đa số tại Hạ viện và có thể thành lập chính phủ mới nếu nhận được sự ủng hộ từ một số Thượng nghị sĩ thuộc đảng Nhân dân tự do (PDL) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi hay những thành viên trung hữu ly khai và các nhóm cánh tả. Tuy nhiên, liên minh theo chiều hướng này được cho là sẽ khó bền vững và có ít cơ hội để hoạt động hữu hiệu vì mỗi nhóm chính trị tại Italia đều có lợi ích riêng.
Có thể trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo Italia sẽ nỗ lực thành lập một chính phủ liên minh mới. Nếu điều đó không xảy ra thì sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới và như vậy sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị tại Italia./.