Thủ tướng Nhật Bản coi Mỹ là trục chính trong chính sách ngoại giao
VOV.VN - Đến thời điểm tối 4/11 (giờ Nhật Bản), vẫn chưa có kết quả chính thức về bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy vậy, Nhật Bản thể hiện lập trường đặc biệt coi trọng quan hệ với Mỹ, ngay cả khi ai là Tổng thống Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trong cuộc họp Hạ viện nhấn mạnh rằng quan hệ đồng minh với Mỹ là trục chính trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản, ông mong muốn sớm gặp người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống của Mỹ. Nếu kết quả bầu cử được xác định, Thủ tướng Suga sẽ lập tức gọi điện thoại để chúc mừng.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đang cân nhắc về phát biểu của ông Donald Trump nói mình đã giành thắng lợi. Tuy nhiên, tại một số bang số phiếu vẫn chưa được kiểm, do đó cho rằng “có sự rủi ro” nên cần cân nhắc những động thái tiếp theo.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng tài chính Aso Taro khẳng định, Nhật Bản là quốc gia có quan hệ chặt chẽ và sâu sắc với Mỹ cả về quốc phòng và kinh tế, do đó, không thể không dành quan tâm lớn tới cuộc bầu cử lần này.
Ông cũng cho rằng thời gian công bố kết quả ở một số bang dự kiến sẽ muộn hơn so với dự tính. Nên có thể thị trường tiền tệ sẽ bị ảnh hưởng do việc xác định và công bố kết quả muộn.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo khẳng định Nhật Bản rất quan tâm tới cuộc bầu cử này, bởi lẽ kết quả cuộc bầu cử có ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng quốc tế bao gồm Nhật Bản. Nhật Bản mong muốn thời gian tới quan hệ đồng minh 2 nước tiếp tục được quan tâm đặc biệt, trong đó hợp tác quốc phòng được sâu sắc hơn, cụ thể là hai bên tiếp tục thảo luận về việc chi phí đồn trú của quân đội Mỹ tại Nhật Bản trong bối cảnh nền kinh tế 2 nước đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm đảm bảo an ninh khu vực.
Bộ trưởng môi trường Koizumi quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu khi cho rằng dù ứng cử viên thắng lợi là ai đi chăng nữa thì biến đổi khí hậu vẫn là lĩnh vực cần phải thay đổi nhiều nhất. Nhật Bản đến 2050 nỗ lực giảm tác hại của khí thải gas xuống bằng 0.
Trong khi đó, truyền thông Nhật Bản liên tục cập nhật kết quả bầu cử tại các bang. Các hãng truyền hình lớn như Asahi, TBS…ngoài trực tiếp từ hiện trường, mời nhiều nhà phân tích chính trị, kinh tế phản biện những chính sách của Mỹ trong thời kỳ có Tổng thống mới. Bình thường Đài NHK sẽ trực tiếp những sự kiện đối ngoại quan trọng, nhưng do phải trực tiếp phiên họp Quốc hội nên chỉ xen kẽ bình luận và thông tin về cuộc bầu cử./.