Thủ tướng Pakistan bị buộc tội coi thường tòa án

Ngày 26/4, Toà án tối cao Pakistan đã buộc tội Thủ tướng Yousuf Raza Gilani coi thường toà án vì từ chối mở lại các cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào Tổng thống Asif Ali Zardari.

Thủ tướng Yousuf Raza Gilani vẫy tay chào khi đến toà án sáng 26/4 (ảnh: DT)
Ông Gilani bị buộc tội không chấp hành lệnh của tòa án là viết thư đề nghị giới chức Thụy Sĩ mở lại các cuộc điều tra tham nhũng đối với Tổng thống Asif Ali Zardari.

Tuy nhiên, tòa chỉ kết án mang tính biểu tượng đối với ông Gilani là thụ án "cho tới khi phiên tòa kết thúc", hoặc khi các thẩm phán rời khỏi phòng xét xử, có nghĩa ông chỉ bị "giam giữ" vài phút ngay tại tòa.

Phán quyết này xem ra là một thỏa hiệp, song nó có thể gây ra những vấn đề đối với ông Gilani, bởi ông đã bị một tòa án kết tội.

Điều này có nghĩa ông Gilani có thể đối mặt với nguy cơ bị bãi nhiệm trong vài tuần hoặc có thể vài tháng tới. Luật sư của ông Gilani cho biết sẽ kháng cáo đối với phán quyết của tòa.

Một Bộ trưởng Pakistan cho biết ngay sau phiên tòa trên, Thủ tướng Gilani đã triệu tập một cuộc họp nội các bất thường để xem xét những tác động của phán quyết đối với ông.

Trong khi theo các nguồn tin chính thức, Tổng thống Zardari cũng đã triệu tập một cuộc họp của lãnh đạo đảng cầm quyền và các đối tác liên minh để thảo luận về những diễn biến chính trị nảy sinh sau phán quyết của tòa án.

Thủ lĩnh Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (Nawaz - đảng đối lập chính ở Pakistan) Sharif, đã yêu cầu Thủ tướng Gilani từ chức và tiến hành bầu cử trước thời hạn.

Vụ việc là một phần của cuộc đối đầu giữa chính phủ và bộ máy tư pháp mà nhiều người xem là đang được sự ủng hộ của quân đội khi toà án theo đuổi vụ việc chống lại chính quyền dân sự.

Tổng thống Zardari bị cáo buộc sử dụng các tài khoản ngân hàng Thuỵ Sĩ để chuyển tiền hối lộ. Ông này cho rằng các cáo buộc nhằm vào ông mang động cơ chính trị.

Tuy nhiên, vụ việc tại Thuỵ sĩ đã bị đóng và không có lý do để mở lại nó vì trên cương vị Tổng thống, ông Zardari có quyền miễn trừ quốc tế chống lại các vụ kiện hình sự.

Cuộc tranh cãi giữa chính phủ của ông Gilani với toà án tối cao bắt đầu ngay sau khi ông Zardari nhậm chức Tổng thống năm 2008. Vào đầu năm 2009, toà án tối cao đã huỷ bỏ một luật ân xá gây tranh cãi có từ thời Tổng thống Pervez Musharraf, vốn bảo vệ Tổng thống Zardari và hàng trăm chính trị gia khác khỏi bị truy tố về tội tham nhũng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên