Thủ tướng Pháp: "Lối thoát cho xung đột tại Ukraina là đối thoại"
VOV.VN - Quốc hội Pháp hôm qua (3/10) đã họp trở lại sau kỳ nghỉ Hè và có phiên thảo luận về tình hình Ukraine.
Thủ tướng Pháp bà Elisabeth Borne nhấn mạnh Pháp sẽ gia tăng trừng phạt để buộc Nga phải trải giá về kinh tế, nhưng cũng khẳng định đối thoại là giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột đang có nguy cơ leo thang hạt nhân và gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Pháp bà Elisabeth Borne nhấn mạnh cuộc xung đột Nga – Ukraine không chỉ là vấn đề giữa hai quốc gia mà đang kéo theo thay đổi trật tự thế giới và đe doạ an ninh châu Âu. Cuộc xung đột này sẽ còn kéo dài và leo thang căng thẳng trong thời gian tới, trong đó không loại trừ các nguy cơ về hạt nhân.
Cuộc xung đột tại Ukraine cũng đe doạ nghiêm trọng vấn đề an ninh lương thực tại rất nhiều quốc gia đang phát triển và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Thủ tướng Pháp cho biết Pháp sẽ nỗ lực thúc đẩy sáng kiến lương thực “FARM”, đề nghị các quốc gia có lượng dự trữ ngũ cốc dư thừa xem xét giải phóng nguồn cung để bảo vệ nước nghèo hơn trước tác động của việc giá lương thực tăng.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne khẳng định sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt để buộc Nga phải trả giá đắt về kinh tế. Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ Pháp bảo vệ quan điểm của Pháp là duy trì các cuộc liên lạc giữa Tổng thống Emmanuel Macron với người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, đồng thời khẳng định lối thoát duy nhất cho cuộc xung đột hiện nay là thông qua con đường ngoại giao.
“Nước Nga vẫn sẽ tồn tại, là một cường quốc và vẫn là láng giềng của chúng ta trong tương lai. Chúng ta không thể chối bỏ được điều này. Tương lai sẽ được viết trên bàn đàm phán, không phải trên chiến trường”.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết Pháp sẽ duy trì hỗ trợ cho Ukraine cho đến khi các nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng đã đến lúc phải đàm phán.
Thời gian tới, Pháp sẽ chủ trì tổ chức một hội nghị kinh tế về Ukraine để vận động các doanh nghiệp Pháp tham gia vào quá trình tái thiết tại quốc gia này. Con số để có thể tái thiết Ukraine được ước tính lên tới 350 tỷ euro.
Ngoài ra, Pháp dự kiến sẽ triển khai, kể từ cuối tháng 11/2022, một cơ chế hỗ trợ tài chính cho các công dân Pháp đồng ý tiếp nhận người tỵ nạn Ukraine. Tính đến nay, Pháp đã tiếp nhận hơn 100.000 người tỵ nạn Ukraine, trong đó có 19.000 là trẻ em./.