Thủ tướng tiếp theo của Anh có quan điểm diều hâu?

VOV.VN - Mặc dù kết quả bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh sẽ được thông báo chính thức sau ngày 5/9, tuy nhiên, tất cả sự chú ý đang dồn về Ngoại trưởng Liz Truss – người đang bỏ xa một ứng cử viên nặng ký khác là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak trong các kết quả thăm dò

Mất lòng trên, được lòng dưới

Bà Liz Truss không được lòng giới lãnh đạo đảng Bảo thủ. Không giống với bà May (2016) hay ông Johnson (2019), bà Truss không phải là sự lựa chọn số 1 của các hạ nghị sỹ đảng Bảo thủ. Trong vòng bầu chọn đầu tiên vào tháng 7, bà Truss chỉ nhận được 50 trên tổng số 357 phiếu bầu của các hạ nghị sỹ đảng Bảo thủ (chiếm 14%).

Thậm chí, trong 3 vòng bầu chọn tiếp theo, bà Truss đều đứng sau các ứng cử viên khác là Rishi Sunak và Penny Mordaunt. Đến vòng bầu chọn thứ 5, bà Truss mới vượt qua bà Mordaunt để được so tài trong cuộc đua song mã vòng cuối cùng với ông Sunak. Thậm chí, tại vòng thứ 5, bà chỉ nhận được 113 phiếu ủng hộ từ các hạ nghị sỹ đảng Bảo thủ (31,6%).

Quy chế bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ đã có sự thay đổi từ năm 1998 với quyền bầu lãnh đạo mở rộng đối với đảng viên. Theo số liệu thăm dò mới nhất của Politico, bà Liz Truss đang bỏ xa ông Rishi Sunak (57% so với 31%). Nhiều tuần trước ngày bầu chọn, các hãng báo chí uy tín của Anh như Financial Times và The Guardian đã khẳng định bà Truss sẽ trở thành Thủ tướng Anh sau Boris Johnson. Thậm chí, tờ Financial Times còn đưa ra danh sách Nội các của bà Truss chẳng hạn như Bộ trưởng Giáo dục James Cleverly (52 tuổi) sẽ làm Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Thương mại Kwasi Kwarteng (47 tuổi) sẽ trở thành Bộ trưởng Tài chính.

Bỏ tả sang hữu

Bà Mary Elizabeth Truss sinh ra ở Oxford ngày 26/7/1975 trong một gia đình có truyền thống cánh tả, có cha là giáo sư John Kenneth Truss dạy toán ở Đại học Leeds và mẹ là bà Priscilla Mary, một thành viên của Chiến dịch giải giáp hạt nhân. Năm 18 tuổi, bà Truss học chính trị, triết học và kinh tế ở Đại học Merton, Oxford và là Chủ tịch đảng Dân chủ tự do Đại học Oxford.

Tuy nhiên, vào năm 1996, bà Truss đã đổi bên và gia nhập đảng Bảo thủ Anh. Sau khi tốt nghiệp, bà Truss làm cho Shell, rồi sau đó trở thành kế toán quản lý. Bà Truss kết hôn với ông Hugh O’Leary cũng là kế toán vào năm 2000 và hiện nay có hai con gái. Bà Truss bước vào con đường chính trị một cách chuyên nghiệp vào năm 2020 khi bà ra tranh cử với tư cách ứng cử viên đảng Bảo thủ khu vực Tây Nam Norfolk. Bà đã giành chiến thắng và giữ ghế cho đến này nay. Ở Westminster, bà Truss đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trước làm Bộ trưởng ngoại giao (từ năm 2021) dưới thời Thủ tướng Boris Johnson.

Một nhà lãnh đạo cứng rắn trong đối ngoại

Tờ Foreign Policy cho rằng bà Liz Truss sẽ trở thành một Thủ tướng cứng rắn trong đối ngoại. Thế giới quan của bà Truss nhìn nhận trắng và đen rõ ràng hơn ông Johnson và muốn nước Anh có những hành động lớn hơn trên trường quốc tế. Giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, quan điểm của bà Truss bị tác động sâu sắc từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Giống ông Johnson, bà Truss ủng hộ củng cố quan hệ với Mỹ để chống Nga và Trung Quốc, tiếp tục gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine, ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, thúc đẩy tăng ngân sách quốc phòng Anh, nới lỏng visa cho người Hong Kong, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ AUKUS và phân tách nước Anh ra khỏi vấn đề nhạy cảm như công nghệ 5G của Huawei.

Với Trung Quốc, bà Truss từng thể hiện sự không hài lòng với sếp của mình là Thủ tướng Cameron về việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng và theo đuổi “một kỷ nguyên vàng” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong chiến dịch tranh cử của mình, bà Truss còn cáo buộc đối thủ Rishi Sunak đang cố gắng tìm kiếm mối quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc, buộc vị cựu Bộ trưởng Tài chính này phải thay đổi quan điểm theo hướng diều hâu hơn nhằm thu hút thêm phiếu bầu.

Khác với ông Johnson, bà Truss không cho rằng việc tách kinh tế ra khỏi địa chính trị là khả thi trong mối quan hệ với Trung Quốc. Trong vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, bà Truss thậm chí còn cho rằng Bắc Kinh phạm tội diệt chủng.

Theo Financial Times, so với người tiền nhiệm Johnson, bà Truss mạnh bạo hơn nhiều trong việc thể hiện quan điểm với Chính quyền Biden. Trong cuộc chiến Ukraine, Mỹ và Anh thể hiện sự đoàn kết và hợp tác chặt chẽ giải mã tin tình báo trước và sau khi xe tăng Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu hồi tháng 4, bà Truss đã kêu gọi các nước hợp tác xây dựng một Kế hoạch Marshall cho Ukraine. Bài phát biểu này gây khó chịu cho Washington bởi Anh viện trợ kinh tế và vũ khí ít hơn nhiều so với Mỹ. Theo chuyên gia Heather Conley, Chủ tịch Quỹ German Marshall, bà Truss một số lần đã tỏ ra khó chịu bởi Washington không sẵn sàng cứng rắn hơn nữa đối với Nga. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ vẫn cho rằng bất đồng với Anh chỉ là tranh cãi thường tình giữa anh em trong nhà và nó không ảnh hưởng đến mối quan hệ Anh – Mỹ.

“Margaret Thatcher” thứ hai của nước Anh?

Với bà Truss, Thatcher là một biểu tượng bởi bà đã xoay chuyển tình thế trong thời điểm khó khăn. Bà Truss từng phát biểu rằng “những gì tôi cảm nhận vào những năm 1980 là niềm tự hào lớn dần ở đất nước chúng ta và sự lạc quan về tương lai ngày một dâng cao”. Thực tế, các chính sách bảo thủ mà bà Truss đang theo đuổi có phần giống với những gì “bà đầm thép” Margaret Thatcher từng thực hiện, thúc đẩy tự do hoá thương mại trong nước và mạnh mẽ trong đối ngoại.

Mặc dù vậy, theo Andrew Rawnsley, nhà bình luận chính trị từng đoạt giải thưởng của Observer và là cây bút của The Guardian, bà Truss không dại gì mà công khai nói mình là Margaret Thatcher thứ hai, tuy nhiên, bà Truss rất hài lòng trong việc khơi gợi hình ảnh Thatcher đối với các thành viên đảng Bảo thủ. Theo ông Rawnsley, bà Truss rất giống với ông Johnson, cả tính cách cá nhân và đặc điểm chính trị và là người hay chiếm hữu thành quả người khác. Chính ông Johnson là người bổ nhiệm bà Truss vào vị trí Ngoại trưởng nhằm tạo ra đối trọng với Rishi Sunak.

Lẽ dĩ nhiên, bà Truss sẽ phải lãnh đạo một đảng cầm quyền có số đông hạ nghị sỹ không muốn bà làm lãnh đạo (giống những gì diễn ra đối với Công đảng dưới thời Jeremy Corbyn) và sẽ phải lựa chọn các bộ trưởng bất đồng quan điểm với mình. Điều này sẽ dẫn đến bà Truss sẽ trở thành một Thủ tướng “yếu”./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Anh sẽ lần đầu tiên coi Trung Quốc là mối đe dọa nếu bà Liz Truss làm Thủ tướng
Anh sẽ lần đầu tiên coi Trung Quốc là mối đe dọa nếu bà Liz Truss làm Thủ tướng

VOV.VN - Kế hoạch mới của bà Liz Truss đề cập cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh, theo đó, lần đầu tiên Anh sẽ coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Anh sẽ lần đầu tiên coi Trung Quốc là mối đe dọa nếu bà Liz Truss làm Thủ tướng

Anh sẽ lần đầu tiên coi Trung Quốc là mối đe dọa nếu bà Liz Truss làm Thủ tướng

VOV.VN - Kế hoạch mới của bà Liz Truss đề cập cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh, theo đó, lần đầu tiên Anh sẽ coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Liz Truss
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Liz Truss

VOV.VN - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ ủng hộ vai trò Chủ tịch COP26 của Anh; khẳng định Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ đóng góp cho nỗ lực toàn cầu ứng phó cuộc khủng hoảng khí hậu.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Liz Truss

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Liz Truss

VOV.VN - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ ủng hộ vai trò Chủ tịch COP26 của Anh; khẳng định Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ đóng góp cho nỗ lực toàn cầu ứng phó cuộc khủng hoảng khí hậu.