Tiến trình hòa bình Trung Đông liệu có “khởi sắc” dưới thời Tổng thống Biden?
VOV.VN - Liệu những thành quả ngoại giao tại Trung Đông của chính quyền tiền nhiệm Mỹ cùng với những điều chỉnh chính sách của Tổng thống Joe Biden có thể khiến tiến trình hòa bình Trung Đông đến được “hồi kết như ý”.
Thế giới đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự dẫn dắt của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đối với các hồ sơ quốc tế “nóng”; trong đó có bao gồm căng thẳng giữa Israel và Palestine, vốn đã dai dẳng từ lâu.
Tiến trình hòa bình Trung Đông từng bị đánh giá có những bước thụt lùi sau những chính sách công nhận chủ quyền “gây tranh cãi” của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phía Israel, đối với khu vực Jerusalem và các khu định cư chiếm đóng. Điều này đã khiến Palestine không còn coi Mỹ là một nhà trung gian hòa giải “công bằng” và các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine cũng vì thế mà ngưng trệ.
Tuy nhiên, mọi thứ dường như đang bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn khi chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước, coi đó là con đường duy nhất cho hòa bình giữa Israel và Palestine. Đây là điều mà Palestine tìm kiếm.
Hai ngày trước, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Phó Đại sứ Mỹ Richard Mills khẳng định, Mỹ sẽ nối lại quan hệ với Palestine. Dự báo, Mỹ cũng sẽ sớm nối lại hoạt động hỗ trợ người Palestine, mở lại Lãnh sự quán Mỹ ở Đông Jerusalem và phái bộ của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại thủ đô Washington.
Ông Richard Mills cho biết, Mỹ hối thúc Israel và Palestine tránh các bước đi đơn phương như việc Israel thành lập các khu định cư Do Thái, phá hủy nhà cửa và sáp nhập đất của người Palestine, cũng như việc các đối tượng cực đoan Palestine có hành động quá khích nhằm vào Israel.
Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit cũng đã bày tỏ sự kỳ vọng đối với những điều chỉnh chính sách và các biện pháp mới của Mỹ khác so với bốn năm qua. Ông Aboul Gheit mong người dân Palestine có thêm nhiều cơ hội nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Thế giới hiện cũng đang kêu gọi Israel và Palestine nối lại các cuộc đàm phán, dưới sự dẫn dắt của Hội đồng Bảo an và nhóm Bộ Tứ Trung Đông gồm: Nga, Mỹ, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu.
Đây cũng là điều mà Ngoại trưởng Palestine Riad Al-Malki đang kỳ vọng: “Chúng tôi luôn kêu gọi một cách tiếp cận tập thể của cộng đồng quốc tế để đạt được hòa bình. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi kêu gọi sự hồi sinh của Bộ Tứ và sự tham gia của các đối tác. Chúng tôi cũng nhắc lại lời kêu gọi của chúng tôi về việc triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế để tìm kiếm một bước ngoặt cho cuộc xung đột này”.
Hiện một số nước Arab cũng đóng vai trò trung gian nhất định đối với tiến trình hòa bình Trung Đông khi thúc đẩy các cuộc gặp tiếp xúc riêng rẽ với các bên liên quan, bao gồm Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Bahrain. Theo giới chuyên gia, các nước Arab này có thể sẽ tạo ra một bước đi đột phá cho căng thẳng Israel và Palestine khi họ là các nước anh em của Palestine, song đều có quan hệ với Israel; trong đó Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Bahrain cho rằng việc bình thường hóa quan hệ với Israel mới đây, một phần là vì Palestine.
Do đó, nhiều người tin rằng thành quả ngoại giao tại Trung Đông nổi bật của chính quyền tiền nhiệm Mỹ là hòa giải giữa Israel và các nước Arab, cùng những điều chỉnh chính sách của Tổng thống Joe Biden trong vấn đề Palestine có thể sẽ đem đến nền hòa bình cho người dân Israel và Palestine trong tương lai./.