Tiếp diễn làn sóng phản đối quyết định của Mỹ về Jerusalem
VOV.VN - Làn sóng biểu tình phản đối việc Tổng thống Mỹ Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel đã bước sang ngày thứ 5 liên tiếp ở khu vực Trung Đông.
Trong khi đó, dư luận thế giới tiếp tục có phản ứng trái chiều đối với quyết định gây tranh cãi này của Mỹ.
Biểu tình ở Lebanon phản đối công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Ảnh: Dailystar.
Hôm 11/12, các cuộc biểu tình phản đối quyết định Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vẫn tiếp diễn tại Lebanon với sự tham gia của hàng nghìn người.
Tại thủ đô Tehran của Iran, hàng trăm người theo đường lối bảo thủ cũng đã tuần hành phản đối Israel và quyết định của Mỹ.
Hàng nghìn người tiếp tục biểu tình trước cổng Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta, Indonesia, phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump. Đây là cuộc biểu tình thứ 3 và lớn nhất ở Indonesia kể từ sau quyết định của ông Donald Trump. Những người biểu tình mặc áo choàng Hồi giáo truyền thống, giương cờ Indonesia và Palestine. Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại ít nhất 10 thành phố khác ở Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới.
Trong khi đó, đụng độ giữa những người Palestine và lực lượng an ninh Israel cũng đã xảy ra tại thành phố Ramallad ở Bờ Tây do Israel kiểm soát, Hebron và Dải Gaza. Theo Hội Chữ thập Đỏ quốc tế, đã có 27 người Palestine bị thương trong các vụ đụng độ này. Các cuộc biểu tình của người Palestine phản đối Israel và quyết định của Mỹ về Jerusalem cho đến nay tuy có giảm so với đỉnh điểm ngày 8/12, hai ngày sau khi nhà lãnh đạo Mỹ đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và ra lệnh chuyển Đại sứ quán Mỹ tới đây, song giới chuyên gia lo ngại các cuộc biểu tình quy mô lớn sẽ tái diễn vào cuối tuần này.
Tổng thống Palestine vận động Trung Đông chống Mỹ trong vụ Jerusalem
Một người dân Palestine tại Jerusalem cho biết: "Chúng tôi đang ở đây để gửi thông điệp tới Mỹ và cả thế giới rằng, Jerusalem là một phần của Lãnh thổ Palestine. Jerusalem là một thành phố bị chiếm đóng, Jerusalem phải là thủ đô của nhà nước Palestine. Chúng tôi đang chống lại quyết định của ông Donald Trump, quyết định này là bất hợp pháp, trái với luật pháp quốc tế."
Ngoài ra, biểu tình cũng diễn ra tại nhiều nơi khác trên thế giới phản đối tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Theo đó, hàng chục nghìn người đã xuống đường tại các nước Arab và Hồi giáo trong đó có Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập.
Trong khi đó, dư luận thế giới tiếp tục chỉ trích quyết định của Tổng thống Donald Trump, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính quyền Palestine trong vấn đề này.
Phát biểu tại Cairo khi đang ở thăm Ai Cập, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, quyết định của Mỹ "gây mất ổn định", đồng thời kêu gọi nối lại cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine vốn đã đình trệ trong thời gian dài. Trong cuộc họp báo chung sau đó với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ở Ankara, nhà lãnh đạo Nga cho rằng tuyên bố của Tổng thống Mỹ có thể "làm chệch hướng" các nỗ lực kiến tạo hòa bình tại Trung Đông.
“Tôi muốn chỉ ra rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xem quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Mỹ và chuyển Đại sứ quán Mỹ đến thành phố này không giúp giải quyết tình hình ở Trung Đông, ngược lại làm mất ổn định tình hình ở khu vực vốn đã phức tạp đồng thời có thể phá hủy bất kỳ triển vọng nào của quá trình hòa bình giữa Israel và Palestine ".
Giới chức Morocco và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tái khẳng định lập trường ủng hộ người dân Palestine. Trong phiên họp hôm qua, Quốc hội Morocco chỉ trích quyết định của Tổng thống Donald Trump, coi động thái này của Mỹ là một sự vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Quốc hội Morocco cảnh báo quyết định của Mỹ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tình hình an ninh và hòa bình tại khu vực Trung Đông.
Quyết định của Tổng thống Trump về Jerusalem: Lợi bất cập hại?
Cùng ngày, Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất Mohammed Al-Maktoum ra tuyên bố khẳng định quy chế hợp pháp của Jerusalem cũng như quyền của người dân Palestine phải được quyết định thông qua thương lượng, đối thoại quốc tế. Ông nhấn mạnh quy chế Jerusalem luôn là yếu tố cốt lõi của tiến trình hòa bình, là động lực chính thúc đẩy sự ổn định ở khu vực Trung Đông. Theo ông, mọi mưu toan phá vỡ quy chế của Jerusalem cũng đều là hành động kích động các phần tử cực đoan.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi nói rằng, tuyên bố của Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đi ngược lại với luật pháp quốc tế:
Vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến người Do Thái và người Palestine mà còn cả người Hồi giáo và Arab nữa. Đó là lý do tại sao tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ra phản ứng trên toàn thế giới, khiến tình hình có nguy cơ xấu đi và bạo lực tăng lên”.
Dự kiến, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) sẽ nhóm họp khẩn cấp vào ngày 13/12 theo đề xuất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan để thảo luận về việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Israel chiếm đóng miền Đông Jerusalem trong chiến tranh năm 1967, và đơn phương tuyên bố toàn bộ thành phố là thủ đô của Israel vào năm 1980 bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Hôm 6/12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đảo ngược chính sách được chính quyền Mỹ thực thi trong hàng thập kỷ qua, theo đó quy chế đối với thành phố này phải được quyết định thông qua đàm phán với người Palestine./.