Tiết lộ tên công ty Trung Quốc nghi bán thiết bị quân sự cho Triều Tiên

Washington đang lo ngại rằng liệu Trung Quốc có đang nỗ lực thỏa đáng để tuân thủ việc cấm bán vũ khí cho Bình Nhưỡng hay không.

Mỹ cho rằng một công ty Trung Quốc đã bán các bộ phận cấu thành xe chở tên lửa trong cuộc diễu binh quân sự gần đây của Triều Tiên và sẽ buộc Bắc Kinh phải tuân thủ nghị quyết của Liên Hợp Quốc về cấm bán các thiết bị quân sự- Một quan chức Mỹ cho biết.

Chính quyền Obama nghi ngờ một công ty Trung Quốc đã bán khung xe - không phải toàn bộ xe- và có thể công ty này đã tin rằng Triều Tiên sẽ sử dụng với mục đích dân sự. Nếu như vậy thì công ty Trung Quốc đã vô tình chứ không cố ý vi phạm “lệnh” của Liên Hợp Quốc, nguồn tin cho biết.

Tuy nhiên, hoạt động bán thiết bị như vậy đang làm dấy lên mối lo ngại cho Washington về việc liệu Trung Quốc có đang nỗ lực thỏa đáng để tuân thủ việc cấm bán vũ khí cho Bình Nhưỡng hay không.

Xe tải 8 trục, 16 bánh chở tên lửa tại cuộc diễu binh của Triều Tiên, kỷ niệm 100 năm sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành
Tờ Thời báo New York lần đầu tiên đưa tin những phát hiện về nguồn gốc các bộ phận của xe tải chở tên lửa trong cuộc diễu binh tại Bình Nhưỡng ngày Chủ nhật 15/4.

Tờ báo cho biết chính quyền Mỹ nghi ngờ công ty Trung Quốc tham gia vào thương vụ là Công ty Sanjiang Hồ Bắc. Quan chức xác nhận nghi ngờ của chính quyền Mỹ về vấn đề này, cho biết Công ty này có thể đã bán các phần thiết bị cho một công ty khác trước đó đã được sử dụng để che dấu danh tính thực sự của người mua.

Bắc Kinh, đồng minh chính duy nhất của Triều Tiên đã từ chối cáo buộc rằng chính quyền này đã vi phạm quy định, mặc dù chiếc xe tải 8 trục hiện đại chở tên lửa trong cuộc diễu binh kỷ niệm sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành được các chuyên gia quân sự phương Tây cho là dựa trên thiết kế và có thể có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta nói với các nhà lập pháp Mỹ hôm thứ Năm rằng Trung Quốc đã hỗ trợ cho chương trình tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhưng ông nói rằng ông không biết "quy mô hỗ trợ đến mức nào".

Nhà Trắng bày tỏ quan ngại với Trung Quốc và “ép” Bắc Kinh thắt chặt việc thực thi các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên, một quan chức Mỹ cho biết. Tuy nhiên, chưa ai biết chính xác phải thực hiện như thế nào.

Theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ từ năm 2006- 2009, các quốc gia bao gồm Trung Quốc bị cấm hỗ trợ Triều Tiên trong các chương trình sản xuất tên lửa đạn đạo, các hoạt động hạt nhân cũng như cung cấp vũ khí hạng nặng.

Căng thẳng sau vụ phóng tên lửa

Bình Nhưỡng cho biết chính quyền nước này đã sẵn sàng để trả đũa khi phải đối mặt với những chỉ trích vụ phóng tên lửa thất bại, khả năng là nước này sẽ tiếp tục một vụ thử hạt nhân thứ ba.

Sau khi vụ phóng tên lửa tuần trước, mà Mỹ cho rằng đó là nhằm mục đích thử nghiệm tên lửa tầm xa, chính quyền Obama phản ứng bằng cách ngừng ngay thỏa thuận viện trợ lương thực cho Triều Tiên. Trong khi đó, Bình Nhưỡng khẳng định vụ phóng tên lửa chỉ nhằm mục đích đưa vệ tinh với mục đích dân sự vào quỹ đạo.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân toàn cầu tại Seoul vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Obama đã “ép” Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sử dụng ảnh hưởng của mình thuyết phục Bình Nhưỡng hủy bỏ vụ phóng tên lửa. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Mỹ nghi ngờ Bắc Kinh, đối thủ cạnh tranh ngày càng quyết liệt của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã hành động thích đáng.

Trung Quốc đã kêu gọi "đối thoại và trao đổi thông tin" với Triều Tiên, và kêu gọi nước này quay trở lại bàn đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa đã bị đình trệ trong nhiều năm qua.

Trong buổi điều trần trước Hạ viện Mỹ,  Đại diện Ủy ban Quân vụ đã chất vấn ông Panetta rằng liệu có hay không việc Trung Quốc đã và đang hỗ trợ chương trình tên lửa của Triều Tiên thông qua “các thương vụ và trao đổi công nghệ".
Ông Panetta từ chối cho biết chi tiết nhưng nói rằng, "Theo những tình tiết này thì rõ ràng là có sự hỗ trợ".

Ông Panetta cho biết là "không phải nghi ngờ" gì về những nỗ lực phát triển tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa cho Mỹ. "Chính vì thế mà chúng tôi coi Triều Tiên và các hành động khiêu khích của họ rất nghiêm trọng", ông nói.

"Trung Quốc cần phải thúc giục Triều Tiên tham gia các cuộc đàm phán ngoại giao. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đạt được một số tiến bộ và đột nhiên chúng tôi lại bị khiêu khích", ông nói thêm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên