Tín đồ Thiên chúa đón Lễ Phục sinh
Hôm nay (24/4), nhiều người dân theo đạo Thiên chúa trên khắp thế giới đón chào ngày Lễ phục sinh bằng nhiều hoạt động có ý nghĩa.
Lễ Phục Sinh so với lễ Giáng sinh tuy không nhộn nhịp bằng nhưng cũng là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người theo Kitô giáo, thường rơi vào ngày Chủ nhật giữa 22/3 và 25/4 hàng năm. Ngày lễ này có nguồn gốc từ Do thái giáo để tưởng niệm sự kiện Chúa Jesus từ cõi chết phục sinh trở về sau khi bị đóng đinh trên giá thập tự.
Lễ Phục sinh là ngày lễ sum họp gia đình, mừng ngày Chúa sống lại, cũng là mùa mọi vật sinh sôi nảy nở. Ở nông thôn nhiều nước Châu Âu người ta đốt lửa ngoài đồng trong đêm Phục sinh để xua đi mùa đông giá lạnh, chào đón một vụ mùa bội thu.
Rước lửa thánh |
Hình ảnh ngọn lửa có ý nghĩa rất quan trọng trong ngày lễ Phục sinh. Chính vì vậy, ngay từ 23/4, tức một ngày trước lễ Phục sinh, hàng nghìn tín đồ thiên chúa giáo đã tụ họp tại Bethlehem, thành phố cách Jerusalem khoảng 10 km để tham dự vào buổi lễ truyền lửa Holy Fire – một phần nghi lễ mang ý nghĩa thần thánh.
Thị trưởng Bethlehem Victor Batarseh giải thích: Holy Fire có nghĩa là “Lửa thánh” và cũng có nghĩa là ngày chúa Jesus trở về từ cõi chết.
Tại quảng trường Manger ở Bethlehem, hàng nghìn tín đồ thiên chúa giáo đứng xếp hàng để được truyền lửa thánh. Một tín đồ cho biết: “Chúng tôi đang chờ lửa thánh tới từ Jerusalem và được truyền tới các đường phố tại Bethlehem, ngọn lửa thánh sắp được truyền tới Quảng trường Manger này”.
Không chỉ tại Bethlehem, ngày 23/4, không khí chuẩn bị cho ngày lễ Phục sinh cũng diễn ra rất sôi nổi ở khắp nước Nga. Một người dân chia sẻ: “Tôi ước gì tất cả mọi người ngày mai đều một lòng hướng về chúa trời, hướng về ánh sáng và quên hết mọi lo lắng, muộn phiền”.
Trong khi đó, ở nhiều nơi trên thế giới, từ cả tháng trước, người ta đã bày bán các quả trứng Phục sinh đầy màu sắc rất xinh xắn. Phụ nữ mua các quả trứng này về hoặc tự luộc trứng rồi tô màu trang trí. Số lượng trứng phụ thuộc vào các thành viên trong gia đình. Việc chuẩn bị nhuộm và vẽ hoa văn rất công phu.
Theo truyền thống, đầu tiên thường là người phụ nữ lớn tuổi nhất trong nhà sơn màu đỏ. Trong khi trứng vẫn còn ấm và tươi sơn, bà vẽ dấu thánh giá lên trán trẻ em, sau đó đến tất cả các thành viên khác trong gia đình. Sau nghi lễ này đến lượt các phụ nữ trẻ trong nhà sơn tiếp.
Việc chuẩn bị món ăn trong ngày lễ Phục sinh cũng rất được quan tâm. Trên bàn ăn đêm Phục sinh không thể thiếu món thịt cừu. Cừu là biểu tượng vô cùng quan trọng của Lễ Phục Sinh ở Trung và Đông Âu. Nó gắn liền với cái chết của Chúa Jesus. Trong nhiều gia đình, theo truyền thống phải ăn thịt cừu vào ngày đầu tiên sau khi vừa hết Mùa Chay./.