Tin tức giả mạo hoành hành trên mạng
Tổng thống Mỹ B Obama từng cảnh báo về mối nguy hại lâu dài của các thông tin chính trị giả mạo được phát tán trên Internet và mạng xã hội.
Điều tra của The New York Times cho thấy, nhiều người đã lợi dụng sự tò mò của công chúng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ để đăng tải những thông tin chính trị bịa đặt nhằm trục lợi mà không hề để ý tới những tác hại mà chúng gây ra.
Một bản tin giả mạo do Latsabidze sản xuất và đăng tải trên mạng.
Beqa Latsabidze, 22 tuổi, tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại một trường đại học hàng đầu của Gruzia. Sau khi ra trường và không có việc làm, anh nghĩ ra một cách kiếm tiền dựa vào sự thèm khát thông tin về các đảng phái chính trị ở Mỹ.
Sao chép và bịa đặt
Lúc đầu, Latsabidze lập ra một trang web và đăng lên nhiều câu chuyện về bà Hillary Clinton, rồi ngồi đếm lượt người xem (view) để ăn tiền quảng cáo. Nhưng trang web này đã không hoạt động hiệu quả.
Sau khi tìm hiểu “khẩu vị” của người đọc, anh lập tức thay đổi đối tượng, từ bà Clinton sang ông Donald J. Trump. Những câu chuyện tán dương ông Donald J. Trump, bằng những thông tin thật giả lẫn lộn, lập tức hút khách.
Theo điều tra của The New York Times, Latsabidze biến căn hộ đang thuê tại thủ đô Tbilisi thành “trung tâm sản xuất tin tức” để cung cấp cho độc giả Mỹ. Cùng tham gia với Latsabidze có cậu em trai - một chuyên gia máy tính, và một kiến trúc sư trẻ người Gruzia.
Latsabidze cho hay, bước đầu họ lập các trang web với nhiều chủ đề khác nhau; trong số đó có một trang web ủng hộ cựu Ngoại trưởng H.Clinton (tên miền walkwithher.com), một trang Facebook cổ vũ ứng cử viên Bernie Sanders và một trang web “chế” lại các tin tức chính trị, ăn cắp ý tưởng từ những tờ báo nghiêm túc như The New York Times và các phương tiện truyền thông “chính thống” khác.
Nhưng các trang web trên đều hoạt động không hiệu quả. Latsabidze sau đó dồn sức vào một đối tượng duy nhất là ông D.Trump. Trang web ủng hộ ông Trump (departed.co) đã nhanh chóng thu hút một lượng độc giả đáng kể trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 8-11) nhờ những câu chuyện được đăng tải đều đặn hàng ngày. “Độc giả của tôi thích Trump” - Latsabidze nói.
Một số thông tin về ông Trump được đăng tải trên trang web departed.co là đúng sự thật, một số khác là những quan điểm thiên kiến ủng hộ ứng cử viên này và nhiều thông tin khác là hoàn toàn giả mạo. Chẳng hạn, một bản tin bịa đặt hoàn toàn được đăng tải vào mùa hè cho biết: “Chính phủ Mexico tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới đối với người Mỹ trong trường hợp Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ”. Hay những tít bài trên Facebook kiểu như: “D.Trump sẽ công bố những tài liệu mật khiến Obama khốn đốn”...
Dữ liệu được tổng hợp bởi BuzzFeed cho thấy, câu chuyện về “đóng cửa biên giới Mexico” đứng thứ 3 trong số những thông tin giả mạo có nhiều người xem nhất trên Facebook kể từ tháng 5 đến tháng 7-2016.
Cách Tbilisi hơn 6.000 dặm, ở Vancouver, một người Canada, ông John Egan cũng có những hoạt động tương tự. Egan cho rằng, các thông tin viết về ông Trump là một “mỏ vàng”. John Egan lập ra một trang web có tên The Burrard Street Journal, chuyên cung cấp các tin tức dưới dạng châm biếm. Lượng người truy cập trang của Egan tăng vọt, đặc biệt sau những câu chuyện chẳng hạn như: “Tổng thống Obama sẽ di cư đến Canada nếu ông Trump thắng cử”.
Latsabidze cũng đã “luộc” lại tin của Egan để đăng vào trang của mình. “Mọi người say sưa trước những thông tin về ông Trump”, Egan nói qua điện thoại với phóng viên The New York Times.
Mối đe dọa nguy hiểm
Tờ The New York Times cho rằng, các thông tin giả mạo xuất hiện trên mạng và trên các phương tiện truyền thông xã hội có tầm vươn xa hơn các bài báo của các hãng tin tức chính thống vào những tháng cuối cùng của chiến dịch bầu cử.
Phát biểu tại Berlin, Đức tuần trước, ông Obama đả kích sự lây lan của tin tức giả mạo trên Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác. Ông cảnh báo: “Nếu chúng ta không nghiêm túc về sự thật, cái gì là đúng, cái gì sai, và nếu chúng ta không thể phân biệt giữa các lập luận nghiêm túc và luận điệu tuyên truyền thì rõ ràng chúng ta đang có vấn đề”.
Câu hỏi đặt ra là: Ai là người sản xuất ra những câu chuyện giả mạo đó và làm thế nào những tin tức bịa đặt và kích động kiểu như vậy lại có thể tồn tại và lan truyền được trong thế giới mạng? Một số nhà phân tích còn lo ngại rằng các cơ quan tình báo nước ngoài đã sử dụng thông tin giả để tác động đến cuộc bầu cử Mỹ.
Trong thế giới Internet, khi vẫn còn thực tế là các thông tin giả sản xuất từ Canada, được một người Gruzia đăng lại trên trang web của mình nhằm thu hút những độc giả tò mò ở Mỹ, thì vẫn có “đất” cho tình trạng nói trên.
Latsabidze giải thích, động lực duy nhất của anh ta là để kiếm tiền quảng cáo của Google. Công việc của anh đơn giản là cắt ghép thông tin từ các nguồn khác nhau, “mạ” lại tít rồi đưa lên mạng. Latsabidze biện minh rằng, anh rất ngạc nhiên khi ai đó có thể nhầm lẫn rằng các thông tin này là sự thật. Sinh viên Gruzia này khẳng định, những gì anh ta đăng tải chỉ đơn giản là một hình thức thông tin giải trí và không nên “nghiêm trọng hóa vấn đề”.
“Tôi không gọi đó là tin tức giả mạo. Tôi gọi nó là châm biếm”, Latsabidze nói. “Không ai đi tin rằng Mexico sẽ đóng cửa biên giới. Điều này thật là điên rồ”.
Latsabidze nhấn mạnh rằng anh ta hoạt động độc lập, không muốn hoặc không cần sự giúp đỡ bên ngoài, ý muốn nói không liên quan tới các cơ quan tình báo. Anh cho biết, chỉ mất có hai tiếng để lập ra một trang web và bất cứ ai có một chút hiểu biết về máy tính có thể nhanh chóng đăng tin.
Cẩn thận trước khi quá muộn
Sau cảnh báo của Tổng thống Obama, những gã khổng lồ Internet như Facebook và Google hứa sẽ vào cuộc. Google tuyên bố sẽ cấm các trang web đăng tin tức giả mạo sử dụng dịch vụ quảng cáo trực tuyến của mình. Giám đốc điều hành của Facebook, Mark Zuckerberg, cho hay đang xem xét một số công cụ đơn giản hơn để người sử dụng có thể đánh dấu và thông báo về những nội dung mà họ nghi ngờ là thông tin giả mạo.
Theo Latsabidze, việc kiểm soát thông tin như vậy có thể sẽ được thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng điều này sẽ ngăn chặn tự do ngôn luận. Sau khi câu chuyện về việc Mexico đóng cửa biên giới được lan truyền chóng mặt, anh tiếp tục lùng sục thông tin trên mạng để chế ra những bài viết khác với chủ đề tương tự. Latsabidze tìm thấy thông tin và bịa ra một câu chuyện về việc Mexico có kế hoạch triệu công dân của mình về nước nếu ông Trump thắng cử. Tin này cũng có rất nhiều người xem.
Latsabidze giải thích, anh không chống lại bà Clinton. Nếu trang web ủng hộ bà Clinton được lập ra ban đầu mà thu hút người đọc, anh sẽ duy trì nó, nhưng sự thực là độc giả không quan tâm. “Họ đang tức giận và háo hức để đọc những câu chuyện kỳ quặc”, anh nói.
“Tôi làm như vậy chỉ vì tiền, không có gì hơn”, Latsabidze khẳng định.
Thu nhập của anh này chủ yếu đến từ Google. Mỗi lần độc giả nhìn thấy hoặc nhấp chuột vào các quảng cáo nhúng trong trang web, Latsabidze lại thu được vài xu lẻ và càng đông người xem thì số tiền càng nhân lên. Latsabidze cho hay, tháng thu nhập tốt nhất của anh, trùng hợp với thời điểm đăng những câu chuyện không có thật về việc Mexico đóng cửa biên giới, là khoảng 6.000 đô la Mỹ. Những tháng khác thì doanh thu thường thấp hơn nhiều.
Facebook không trực tiếp cung cấp bất kỳ doanh thu nào cho Latsabidze, nhưng nó đóng vai trò trung tâm trong việc thu hút người đọc truy cập vào trang web của anh này. Chẳng hạn, một bản tin được đăng tải ngày 17-11 trên trang web departed.co của Latsabidze, có tít (được tạm dịch): “Sốc! Putin ra lệnh truy nã quốc tế đối với tỉ phú George Soros!”. Đây là thông tin giả hoàn toàn và được xuất bản trên hàng loạt các trang web mà Latsabidze lập ra.
Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, hoạt động của những trang web mà Latsabidze sở hữu đã sụt giảm mạnh. Lưu lượng người truy cập departed.co những tuần gần đây giảm ít nhất 50%.
Latsabidze cũng đã tìm một công việc ổn định là làm lập trình cho một công ty phần mềm, nhưng anh ta vẫn còn nhiều nuối tiếc.
“Liệu sắp tới có cuộc bầu cử nào diễn ra ở Anh không?” - Latsabidze hỏi. Anh thoáng thất vọng khi nhận được câu trả lời “không”, nhưng lại nhanh chóng vui trở lại khi nghe tin, nước Pháp sắp tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4 năm sau, trong đó có các ứng cử viên giống như ông Trump ở Mỹ (ý nói tới bà Marine Le Pen, người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu). “Có lẽ tôi học một ít tiếng Pháp”, Latsabidze nói.
Dịch từ New York Times