Tình hình khu đền thờ tại Jerusalem dịu lắng, nỗi lo xung đột tạm qua
VOV.VN - Tình hình tại khu vực đền thờ Hồi giáo Al Aqsa tại Jerusalem, được người Do Thái gọi là Núi Đền, hai ngày nay đã tạm dịu lắng sau vụ đụng độ nghiêm trọng giữa người dân Palestines với cảnh sát Israel, khiến 152 người bị thương.
Thế giới hối thúc các bên kiềm chế bạo lực, tránh kịch bản một năm về trước dẫn đến cuộc xung đột Gaza kéo dài 11 ngày. Vào Ngày thứ Sáu cầu nguyện của người Hồi giáo, một cuộc đụng độ giữa người Palestines và cảnh sát chống bạo động Israel đã xảy ra bên trong khuôn viên Nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa tại Jerusalem – vốn được coi là thánh địa linh thiêng thứ 3 của đạo Hồi.
Cuộc đụng độ xảy ra khi hàng trăm người Palestines ném gạch đá về phía cảnh sát Israel và người cầu nguyện Do Thái ở gần Nhà thờ. Cảnh sát đã tiến vào giải tán đám đông. Đụng độ kéo dài 6 tiếng đồng hồ, khiến ít nhất 152 người bị thương và hầu hết là do trúng đạn cao su, lựu đạn gây choáng hoặc trực tiếp bị đánh bằng dùi cui. Ngoài ra, khoảng 300 người Palestines đã bị bắt giữ sau vụ việc.
Giới chức Palestine đã lên án hành động của lực lượng an ninh Israel và yêu cầu trả tự do cho những người bị bắt giữ vào ngày 15/4; đề nghị người Do Thái ngừng các chuyến thăm “khiêu khích” đến khu vực Nhà thờ Al Aqsa.
Người Quản lý Nhà thờ Al Aqsa cho biết: “Người Israel đã làm tan hoang khu nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa trước sự chứng kiến của thế giới. Chúng tôi lên án điều này. Lực lượng Israel đã đàn áp những người thờ phượng đến tham dự buổi cầu nguyện buổi sáng. Trong khi, một số thanh niên bị giam giữ".
Thế giới đã ngay lập tức bày tỏ quan ngại trước diễn biến tình hình. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về tình trạng an ninh ngày càng bất ổn tại Jerusalem, đồng thời kêu gọi các nỗ lực giảm leo thang căng thẳng. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, các cuộc đụng độ xảy ra ở khu đền thờ Al-Aqsa - khu vực linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái - cần phải chấm dứt ngay lập tức để tránh leo thang căng thẳng.
Hôm qua, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Morocco cũng đồng loạt chỉ trích Israel về tình trạng bạo lực tại Nhà thờ Al-Aqsa. Đáng lưu ý, đây là các quốc gia Hồi giáo ở Vùng Vịnh và Bắc Phi mới ký thỏa thuận bình thường hóa và đang có quan hệ ngày càng mật thiết với Israel.
Các quốc gia khác bao gồm Jordan, Ai Cập, Saudi Arabia, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng ra thông cáo lên án hành động của Israel. Mỹ, quốc gia đồng minh của Israel, cũng đã lên tiếng về vụ việc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Mỹ “quan ngại sâu sắc” và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh mọi hành động khiêu khích và gây phức tạp tình hình; đồng thời hối thúc giới chức Israel và Palestine hợp tác hạ nhiệt căng thẳng và đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.
Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy ra tuyên bố chung lên án tình trạng bạo lực tại Đông Jerusalem. Tuyên bố có đoạn kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa cũng như tránh sử dụng bạo lực và mọi hình thức khiêu khích.
Vụ việc xảy ra vào thời điểm hàng chục nghìn người người thuộc 3 tôn giáo cùng đang đổ về thành cổ Jerusalem do năm nay tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo trùng với dịp lễ quan trọng của người Do Thái và Lễ Phục sinh của Cơ đốc giáo.
Đụng độ tại Jerusalem xảy ra khiến nhiều người lo ngại, những cẳng thẳng tại Jerusalem sẽ thổi bùng bạo lực và xung đột, như đỉnh điểm hồi tháng 5 năm ngoái là cuộc xung đột giữa Israel và các nhóm vũ trang tại dải Gaza thảm khốc kéo dài 11 ngày.
Hiện cũng là thời điểm lực lượng an ninh Israel phải cảnh giác cao độ sau hàng loạt vụ tấn công chết người trên đường phố nước này trong hai tuần qua. Thủ tướng Israel Naftali Bennet cho biết: “Chúng tôi sẽ chống lại khủng bố bằng một bàn tay mạnh mẽ và sẽ chiến thắng. Điều đó có thể xảy ra. Khủng bố không phải là định mệnh. Hoảng sợ và cuồng loạn không phải là một kế hoạch hành động".
Tình hình tại Jerusalem đang có dấu hiệu tạm lắng dịu. Israel cũng đã mở lại cửa khẩu biên giới giữa nước này với khu vực Bờ Tây và dải Gaza của người Palestines, sau những nỗ lực tìm cách hạ nhiệt tình hình của Ai Cập và Liên Hợp Quốc./.