Tình hình tại nhà máy điện Fukushima số 1 vẫn không thể lường trước

Đó là cảnh báo của Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano.

Mặc dù đã đạt được tiến triển trong việc khắc phục sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, nhưng tình hình tại nhà máy điện vẫn không thể lường trước được. Đó là cảnh báo của Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano.

Phát biểu trong buổi họp báo chiều nay, Chánh văn phòng nội các Edano cho biết dựa trên các số liệu và tình hình thực tế, có thể khẳng định rằng một lượng nước nhất định đã được phun vào bên trong lò phản ứng số 3 và phát huy tác dụng. Tuy nhiên, vẫn không thể dự đoán trước được tương lai, cũng như chưa thể có cái nhìn lạc quan về khả năng cải thiện tình hình hiện nay.

Liên quan đến việc áp suất trong bồn chứa nhiên liệu hạt nhân ở lò phản ứng số 3 tăng lên vào chiều nay, ông Edano cho biết Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản dự kiến xả bớt khí để làm giảm áp lực trong lò phản ứng số 3. Tuy nhiên, do áp suất trong lò phản ứng số 3 đã giảm xuống nên việc xả khí tạm thời được hoãn lại. Nhờ vậy, việc phun nước và kéo điện vào các lò phản ứng không bị ảnh hưởng.

Trong ngày hôm nay, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã tiến hành phun khoảng 80 tấn nước vào lò phản ứng số 4. Đây là lần đầu tiên lò phản ứng số 4 được phun nước. Dự kiến đêm nay, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và Lực lượng cứu hỏa Tokyo sẽ tiếp tục phun nước vào lò phản ứng số 4. Trước khả năng việc phun nước vào các lò phản ứng sẽ kéo dài trong nhiều tháng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết sẽ yêu cầu quân đội Mỹ cung cấp máy phun nước không cần người điều khiển. Đồng thời, để nắm được tình trạng bên trong lò phản ứng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang xem xét sử dụng trực thăng không người lái của Lực lượng phòng vệ nước này.

Trong khi đó, các địa phương trên nước Nhật bắt đầu cử các đội cứu hỏa đến Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 để bổ sung nhân lực cho nhiệm vụ phun nước làm mát các lò phản ứng. Đến nay, các thành phố như Osaka, Yokohama, Kawasaki đã quyết định cử đội cứu hỏa đến Fukushima.

Hôm nay, chính phủ Nhật Bản cho biết họ phát hiện hàm lượng nhỏ chất phóng xạ gồm iodine và cesium, sản phẩm phân rã của uranium trong nước sinh hoạt, nước mưa và không khí trên diện rộng ở khu vực tây nam nhà máy điện Fukushima, bao gồm cả thủ đô Tokyo, nhưng khẳng định không ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

** Những nỗ lực các của đội cứu hộ đã được đền đáp khi họ tìm thấy 2 bà cháu bị chôn vùi trong một ngôi nhà đổ tại thành phố Isinomaki, tỉnh Miyaghi vào lúc 5h chiều 20/3. Người bà năm nay 80 tuổi và người cháu 16 tuổi đã sống sót qua 9 ngày nhờ vào thức ăn có trong tủ lạnh. Cả hai bà cháu đều không có thương tích gì tuy nhiên, người cháu có hiện tượng giảm thân nhiệt. Cả hai đã được đưa đến điều trị tại bệnh viện trong thành phố.

Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho biết tính đến 3h chiều nay, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất, sóng thần đã lên tới con số 8.199 người, nâng tổng số thiệt mạng và mất tích lên trên 20.000 người. Dù không mong muốn như con số này chắc chắn sẽ còn tăng trong những ngày tới. Theo thông tin từ phía Cảnh sát tỉnh Miyaghi, số người thiệt mạng riêng của địa phương này có thể lên tới 15.000 người.

Ngày thứ 10 sau vụ động đất, hơn 360.000 người vẫn đang trú tại những địa điểm lánh nạn trong giá rét của mùa đông. Các lô hàng cứu trợ tiếp tục được đưa đến đến, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. 25 nghìn chăn ấm từ Canada; 500 máy phát điện từ Đài Loan và hàng chục, hàng trăm nghìn túi gạo, nước đóng sẵn từ Hàn Quốc đã được gửi tới cho người bị nạn. Chính quyền Nhật Bản cho biết tổng cộng đã có 110.000 chăn ấm cùng các lô hàng nhu yếu phẩm cứu trợ từ bạn bè quốc tế gửi đến giúp nhân dân Nhật Bản trải qua giai đoạn khó khăn nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên