Tình hình Thái Lan sau khi quân đội đảo chính
VOV.VN - Tình hình Bangkok không có biến động mạnh, người dân bắt đầu hạn chế đi lại sau khi biết lệnh giới nghiêm.
>> Tư lệnh Lục quân Thái Lan tuyên bố đảo chính quân sự
Lực lượng làm đảo chính tuyên bố thành lập Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia do đại tướng Prayuth Chan-ocha - Tư lệnh Lục quân Thái Lan là Chủ tịch với 4 phó Chủ tịch là: Tư lệnh Quân đội, Tư lệnh Hải quân, Tư lệnh Lục quân và Cảnh sát Trưởng quốc gia và Phó Tư lệnh lục quân Udomdeat làm Tổng thư ký.
Quân đội hiện đang tạm giữ đại diện của Chính phủ, Đảng cầm quyền Vì nước Thái, Đảng Đối lập chính Dân chủ, lực lượng biểu tình chống và ủng hộ Chính phủ.
Quân đội Thái Lan trang bị vũ khí hiện diện khắp nơi trên đường phố Bangkok |
Đảo chính xảy ra trong bối cảnh chiều 22/5, trong cuộc họp lần thứ 2, giữa 7 bên gồm đại diện chính phủ, Thượng viện, Ủy ban Bầu cử, Đảng cầm quyền Vì nước Thái, Đảng Đối lập chính Dân chủ, lực lượng biểu tình chống Chính phủ và lực lượng biểu tình ủng hộ Chính phủ đã không thể thỏa hiệp được với nhau trong việc tìm kiếm lối thoát cho bế tắc chính trị tại Thái Lan.
Ngay sau đó, phía quân đội đã tổ chức để đoàn đại diện lực lượng biểu tình chống chính phủ do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban cầm đầu và đoàn đại diện Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD- hay còn gọi là những người Áo Đỏ), lực lượng biểu tình ủng hộ chính phủ ông Jatuporn gặp riêng nhau.
Tiếp đến tại cuộc họp toàn thể 7 bên, quyền Thủ tướng tạm quyền Niwattahmrong tuyên bố nhất quyết không từ chức và cho rằng, con đường duy nhất tiến tới nền dân chủ là bầu cử, cho dù bầu cử vào thời điểm nào đi nữa và chính phủ tạm quyền của ông tiếp tục tồn tại theo luật. Ngay lập tức, Đại tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố làm đảo chính.
Bắt đầu từ 22 giờ đêm, tất cả các xe dân sự lưu hành trên đường đều bị binh sỹ kiểm tra xe và người. |
Hôm qua, một cuộc họp tương tự cũng được quân đội Thái Lan triệu tập sau khi họ tuyên bố thiết quân luật vào ngày 20/5/2014 và cuộc họp đó cũng không có kết quả.
Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia tuyên bố nguyên nhân việc giành quyền kiểm soát hành pháp do tình hình tại Thái Lan hiện nay đã lên đến mức không thể kiểm soát, gây thiệt hại về người và của, trật tự trị an xã hội bị phá vỡ nghiêm trọng.
Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia tuyên bố giữ nguyên mối quan hệ với các nước và tổ chức quốc tế như trước đây đồng thời tiếp tục bảo vệ những tổ chức quốc tế, các đại sứ quán nước ngoài tại Thái Lan và người nước ngoài sính sống học tập tại Thái Lan.
Cách đây hai hôm, Đại tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố thiết quân luật và việc tiếp tục tuyên bố đảo chính như một mức nâng cao các biện pháp nắm quyền của quân đội khi mà các bên đã không thể thỏa hiệp được với nhau trong việc giải quyết khủng hoảng theo yêu cầu của quân đội.
Lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, đường phố Bangkok vắng bóng người. |
Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia cũng kêu gọi người dân bình tĩnh vì Ủy ban sẽ không can thiệp vào các hoạt động thường nhật của người dân và việc chiếm quyền kiểm soát và điều hành đất nước chỉ nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội và tìm kiếm lối thoát cho khủng hoảng hiện nay, khi mà Thái Lan đã hơn 6 tháng qua nằm trong khủng hoảng với các cuộc đánh bom, xả súng, bắn giết bừa bãi xẩy ra thường nhật làm 30 người chết và hơn 800 người bị thương.
Hiện các kênh truyền hình và phát thanh chính tại Thái Lan đều ngừng phát sóng hoặc phát cầm chừng và tập trung vào phát tuyên bố của Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia.
Hiện chưa thấy có phản ứng chính thức của các bên, đặc biệt là chính phủ cũng như Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD- hay còn gọi là những người Áo Đỏ) lực lượng biểu tình ủng hộ chính phủ.
Tuy nhiên, tại một số khu vực người dân chưa kịp về, đường vẫn đông đúc. Đây là ảnh chụp lúc 22 giờ 30 phút tại đường Asok ở thủ đô Bangkok. |
Đây là lần thứ 19, Thái Lan xẩy ra làm đảo chính quân sự và phần lớn đều do lực lượng lục quân đứng đầu thực hiện.
Lần đảo chính quân sự gần đây nhất là ngày 19/9/2006, khi đó quân đội Thái Lan làm đảo chính, lật đổ chính phủ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra cầm đầu và thời điểm đó ông Thaksin đang ở Mỹ, dự một cuộc họp của Liên Hợp Quốc.
Cuộc đảo chính lần này thực hiện trong bối cảnh bà Yingluck, em gái của ông Thaksin hôm 7/5 đã bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan bãi nhiệm khỏi vị trí Thủ tướng.
Chiều tối 22/5, Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia tuyên bố giới nghiêm trên toàn lãnh thổ Thái Lan từ 22h đến 5h ngày hôm sau.
Như vậy đây là một bước đi mạnh mẽ nhất của quân đội Thái Lan khi tiến hành làm đảo chính nhằm hạn chế phản ứng của các bên, đặc biệt của hàng chục ngàn người Áo Đỏ đang tập trung tại Phutthamonthon, cách trung tâm Bangkok chưa đầy 30 km và tối qua từng tuyên bố sẽ không để yên nếu chính phủ bị lật đổ.
Chiều nay, quân đội cũng đưa quân đến khu vực người Áo Đỏ tập trung biểu tình và tạm giữ một số thủ lĩnh của lực lượng này.
Qua quan sát trực tiếp của phóng viên VOV, tình hình Bangkok không có biến động mạnh, người dân bắt đầu hạn chế đi lại sau khi biết lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 22h ngày 22/5/2014./.