Tình hình Thái Lan sau tuyên bố thiết quân luật
VOV.VN - Lực lượng biểu tình của cả phe đối lập và phe áo đỏ hiện đều trong tình trạng "án binh bất động".
Tính đến 10h sáng 20/5, Bộ chỉ huy bảo vệ trị an do Tư lệnh Lục quân Prayuth lãnh đạo đã ban hành 6 bản thông báo; trong đó có quy định cấm người biểu tình không được rời khỏi một số địa điểm biểu tình hiện tại, yêu cầu ngừng phát sóng đối với 11 kênh truyền hình vệ tinh và một số đài phát thanh cộng đồng của cả Mặt trận dân chủ chống độc tài (tức phe áo đỏ) và của phe đối lập.
Quân đội Thái Lan trên đường phố Bangkok ngày 20/5 sau khi Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth tuyên bố áp dụng thiết quân luật trên toàn quốc (Ảnh: Reuters) |
Đồng thời Bộ chỉ huy bảo vệ trị an còn yêu cầu các đài phát thanh, truyền hình khác không được phát các chương trình ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh quốc gia như chương trình có nội dung xuyên tạc thông tin, kích động, xúi giục gây rối loạn và chia rẽ xã hội.
Chiều 20/5, Bộ chỉ huy bảo vệ trị an cũng sẽ mời đại diện các phe phái và quan chức cao cấp các bộ, ban, ngành và địa phương tới một số địa điểm để giải thích về việc áp dụng Thiết quân luật.
Trong khi đó, Nội các tạm quyền Thái Lan tiến hành họp khẩn cấp để đánh giá tình hình sau khi Tư lệnh Lục quân Thái Lan tuyên bố áp dụng Thiết quân luật.
Lực lượng biểu tình của cả phe đối lập và phe áo đỏ hôm nay đều trong tình trạng "án binh bất động". Ban lãnh đạo phe áo đỏ tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình, đồng thời kêu gọi quân đội rút lực lượng khỏi các đài truyền hình.
Ban lãnh đạo biểu tình của ông Suthep tuyên bố tạm ngừng hoạt động biểu tình trong ngày 20/5 để theo dõi tình hình và thảo luận về chủ trương hoạt động mới. Đáng chú ý, nhóm Thượng nghị sỹ cử tuyển ở Thượng viện Thái Lan tuyên bố tiếp tục thúc đẩy kế hoạch thành lập Chính phủ lâm thời để điều hành và cải cách đất nước.
Các hoạt động dân sinh ở Thủ đô Bangkok sáng 20/5 vẫn diễn ra bình thường, nhưng không ít người dân có tâm lý hoang mang, lo ngại. Trong khi đó, giao thông nhiều nơi bị ách tắc do Quân đội cấm một số tuyến đường và mở thêm các trạm kiểm soát. Thị trường chứng khoán Thái Lan sáng nay cũng giảm hơn 20 điểm do các nhà đầu tư lo ngại việc áp dụng Thiết quân luật.
Về dư luận báo chí Thái Lan, phóng viên Wasana chuyên gia nổi tiếng về mảng tin quân đội đã bước đầu nhận định rằng, mặc dù Tư lệnh Lục quân Prayuth khẳng định không đảo chính quân sự; song việc áp dụng Thiết quân luật được coi là bước đầu tiên có thể dẫn tới đảo chính, nếu quân đội không kiểm soát được tình hình.
Phóng viên Wasana nhận xét: "Từ bây giờ lịch sử Thái Lan nằm trong tay của Tư lệnh Lục quân Prayuth".
Các hãng thông tấn, báo chí quốc tế cho rằng Quân đội áp dụng Thiết quân luật ở Thái Lan nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra đối đầu bạo lực nghiêm trọng giữa lực lượng ủng hộ Chính phủ và lực lượng ủng hộ phe đối lập./.