Tình hình Ukraine không thể được giải quyết bằng giải pháp quân sự
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa tuyên bố sẽ cân nhắc việc hỗ trợ vũ khí cho quân đội Ukraine trong cuộc xung đột với phe đối lập ở miền Đông.
Dù mới chỉ là tuyên bố, nhưng động thái của Mỹ đã làm gia tăng bầu không khí căng thẳng tại vùng chiến sự Ukraine, đồng thời nhận lấy chỉ trích từ Nga cho rằng Mỹ có ý định sử dụng giải pháp quân sự cho vấn đề này.
Ngày 2/2, những loạt rocket xuất hiện trên bầu trời miền Đông Ukraine cho thấy, lực lượng đối lập tiếp tục xiết chặt vòng vây tại thành phố chiến lược Debaltseve. Ngay sau đó, là loạt đạn pháo đáp trả của quân đội chính phủ từ thành phố này.
Một lần nữa, người dân Ukraine lại sống giữa các làn đạn và trở thành nạn nhân trực tiếp của cuộc xung đột đã kéo dài hơn 9 tháng qua. Đối mặt với cái chết và chứng kiến sự tàn phá của đạn pháo mỗi ngày, người dân Debaltseve không khỏi lo sợ.
Thành phố Debaltseve có vị trí chiến lược quan trọng đang trở thành điểm nóng chiến sự mới tại miền Đông Ukraine. Thành phố này cách Donetsk khoảng 80km về phía Đông Bắc, mà theo lực lượng đối lập đây là trận địa họ đang bao vây khoảng 8.000 binh sĩ quân đội Ukraine.
Trong bối cảnh, các nỗ lực ngoại giao để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng đẫm máu tại miền Đông Ukraine đều thất bại, thì cả lực lượng quân đội lẫn phe đối lập đang cố gắng giành mọi ưu thế có thể trên chiến trường, động thái khiến cuộc xung đột đang không ngừng leo thang.
Trong tuyên bố mới nhất ngày 2/2, lực lượng đối lập tại Donetsk và Lugansk đều bày tỏ thiện chí ngồi vào bàn đàm phán hòa bình và rút vũ khí hạng nặng ngay khi quân đội Ukraine tuyên bố lệnh ngừng bắn.
Đến nay, Mỹ và phương Tây vẫn khăng khăng cáo buộc Nga vũ trang cho lực lượng đối lập Ukraine dù không đưa ra được bằng chứng cụ thể, cũng như phía Moscow luôn bác bỏ cáo buộc này.
Việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa nhắc đến khả năng cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Nga, trong khi Đức cũng khẳng định sẽ không đưa vũ khí tới vùng chiến sự miền Đông Ukraine.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 2/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, Chính phủ Mỹ vẫn chưa có quyết định cuối cùng cho việc hỗ trợ vũ khí cho quân đội Ukraine, đồng thời cân nhắc các lựa chọn để giúp Ukraine đối phó với các lực lượng đối lập ở miền Đông.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc động thái này của Mỹ là ủng hộ nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng biện pháp quân sự.
Phát biểu tại Bắc Kinh, khi tham gia cuộc đối thoại 3 bên Nga-Trung-Ấn, ông Lavrov nói: “Đã có thể xác định rằng Mỹ đã can dự trực tiếp ngay từ đầu vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Và Tổng thống Mỹ gọi nó là “sự chuyển giao quyền lực. Điều thứ 2 tôi muốn nhấn mạnh là hành động của Mỹ cho thấy ý định tiếp tục hỗ trợ mọi thứ có thể một cách vô điều kiện cho chính quyền Ukraine, vốn đang hướng tới một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này”.
Về phía Đức, Thủ tướng Angela Merkel đang ở thăm Hungary ngày 2/2 cũng khẳng định, Berlin sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine, bởi vì đây không phải là cách giải quyết vấn đề.
Bà Merkel cùng người đồng cấp Hungary Viktor Orban nhấn mạnh rằng, cuộc xung đột hiện nay tại miền Đông Ukraine không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự.
Thủ tướng Đức Merkel nói: “Đức sẽ không hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Tôi khẳng định rằng cuộc xung đột này không thể giải quyết bằng giải pháp quân sự, mặt khác chúng tôi sẽ phối hợp với các nước châu Âu áp đặt thêm các trừng phạt nếu cần thiết. Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột này thông qua đàm phán hay chí ít là xoa dịu tình hình xung đột”.
Từ cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp đã liên tiếp điện đàm với lãnh đạo của Nga và Ukraine, kêu gọi "ngừng bắn ngay lập tức" ở miền Đông Ukraine.
Dù thể hiện sự thất vọng khi cuộc đàm phán của Nhóm tiếp xúc về Ukraine diễn ra tại Minsk, Belarus, ngày 31/1 đổ bể hoàn toàn, song các nhà lãnh đạo Đức, Pháp đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục các cuộc đàm phán của Nhóm tiếp xúc.
Trong phát biểu ngày 2/2, Thủ tướng Đức tái khẳng định, thoả thuận hòa bình Minsk vẫn là điểm khởi đầu tốt nhất để ổn định lại tình hình miền Đông Ukraine./.