Toàn cảnh vụ đánh bom kép kinh hoàng ở Pakistan
VOV.VN - "Nhiều bộ phận cơ thể bị đứt lìa vương vãi khắp nơi, máu nhuộm đỏ các bức tường", một nhân chứng bàng hoàng kể lại.
Nhóm Jundulla có liên hệ với Taliban lên tiếng nhận trách nhiệm về loạt đánh bom đẫm máu nhất từ trước đến nay chống lại cộng đồng Kitô giáo thiểu số tại đất nước này.
Vụ đánh bom kép xảy ra tại Thánh Đường All Saints ở Peshawar, Pakistan ngày 22/9 khi hàng trăm tín đồ đang tham dự buổi Thánh Lễ ở đây khiến 78 người thiệt mạng.
Cho đến nay đã có 78 người chết và 141 người bị thương sau vụ đánh bom Thánh Đường All Saints (Ảnh: AP) |
Người phát ngôn của nhóm vũ trang Jundulla cho biết, họ sẽ tiếp tục thực hiện các vụ tấn công nhằm vào những người không phải là người Hồi giáo trên lãnh thổ Pakistan cho đến khi Mỹ chấm dứt việc sử dụng máy bay không người lái tấn công vào khu vực hẻo lánh, nơi sinh sống của các bộ lạc Pakistan.
Vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ gần đây nhất là ngày 22/9 vào khu vực của các bộ lạc ở Bắc Waziristan giết chết 6 tay súng Hồi giáo.
Theo một quan chức Chính phủ, vụ đánh bom xảy ra sau khi các tín đồ nhận bữa ăn miễn phí. Các nhân chứng kể lại rằng, họ nghe thấy 2 tiếng nổ lớn, trong đó vụ nổ thứ hai mạnh hơn vụ nổ đầu tiên.
Nazir John, một nhân chứng có mặt tại hiện trường nói: “Có những tiếng nổ lớn khung cảnh như ở địa ngục. Khi tôi định thần lại, tôi thấy khói bụi mù mịt, máu và mọi người la hét trong hoảng loạn. Nhiều bộ phận cơ thể bị đứt lìa vương vãi khắp nơi, máu nhuộm đỏ các bức tường”.
Sĩ quan cảnh sát địa phương, Shafqat Malik cho biết, các vụ tấn công được thực hiện bởi 2 kẻ đánh bom tự sát, 2 vụ tấn công xảy ra gần như đồng thời.
Bộ trưởng Nội vụ Pakistan, Chaudhry Nisar Ali Khan cho biết, trong số 78 người chết có 34 phụ nữ, 7 trẻ nhỏ, ngoài ra còn có 141 người bị thương sau vụ đánh bom kép.
Đức giám mục thành phố Lahore Irfan Jamil nói: “Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất nhắm vào những người Kitô giáo ở đất nước chúng tôi”.
Giáo hoàng Francis phát biểu trong khi ở thăm Sardinia cho rằng, những kẻ thực hiện các cuộc tấn công đã “lựa chọn sai khi thực hiện một hành động mang tính hận thù”.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng đã đưa ra tuyên bố lên án vụ tấn công tàn bạo này và bày tỏ mối quan ngại sâu sắc với những hành vi bạo lực tôn giáo mù quáng chống lại người Kitô giáo ở Pakistan.
Ông Ban nói: “Những hành động khủng bố không thể được biện minh bởi bất kỳ lý do nào”. Tổng Thư ký LHQ cũng kêu gọi, các quốc gia cùng nhau đoàn kết để tiếp tục đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.
“An ninh phớt lờ cảnh báo của người Kitô giáo”
Đức giám mục ở Peshawar, Sarfarz Hemphray đã tuyên bố để tang các nạn nhân trong 3 ngày và đổ lỗi cho Chính phủ Pakistan và các cơ quan an ninh đã không thể đảm bảo an toàn cho những người theo Kitô giáo ở quốc gia này.
Ông Hemphray nói: “Nếu Chính phủ quan tâm hơn, họ có thể kiểm soát được những vụ khủng bố tương tự như vậy. Chúng tôi đã yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường an ninh, nhưng họ phớt lờ những yêu cầu đó”.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tuyên bố: “Những kẻ khủng bố là những kẻ vô thần, nhắm đến người dân vô tội là chống lại giáo lý Hồi giáo và các tôn giáo khác. Hành động tàn ác như vậy phản ánh sự tàn độc và vô nhân đạo trong tư tưởng của những kẻ khủng bố”.
Các chiến binh Hồi giáo đã thực hiện hàng loạt các vụ tấn công trên khắp đất nước Pakistan kể từ khi ông Sharif nhậm chức hồi tháng 6, mặc dù ông Sharif đã tuyên bố cho rằng, một thỏa thuận hòa bình với Taliban Pakistan là cách tốt nhất để giải quyết tình trạng bạo lực trong nước.
Đảng chính trị lớn nhất Pakistan đã xác nhận việc ông Sharif thu xếp thực hiện đàm phán với các chiến binh Hồi giáo vào đầu tháng này. Tuy nhiên, Taliban đưa ra yêu sách buộc Chính phủ phải thả toàn bộ các chiến binh bị bắt giữ trước đó và rút toàn bộ quân đội ra khỏi khu vực của các bộ lạc ở Tây Bắc Pakistan như là điều kiện tiên quyết để đàm phán.
Đã có rất nhiều chỉ trích liên quan đến chủ trương đàm phàn hòa bình của Chính phủ. Ông Farhatullah Babar, lãnh đạo cấp cao của Đảng Nhân dân Pakistan nói: “Tôi không nghĩ đây là giải pháp tốt. Những thông điệp gửi đi cho thấy những kẻ khủng bố không muốn đàm phán. Nếu vậy, chúng ta nên đứng lên để chiến đấu với chúng”.
Mỹ cũng đã nhiều lần yêu cầu Pakistan có những biện pháp cứng rắn để đối phó với các chiến binh Hồi giáo, đặc biệt là các thành viên người Afghanistan của Taliban. Theo Mỹ, những kẻ khủng bố này đã ẩn náu ở khu vực biên giới Pakistan để sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào quân đội Mỹ ở Afghanistan./.
Một người phụ nữ ngất lịm khi nghe tin người thân thiệt mạng (Ảnh: AP) |
Người dân phẫn nộ trước hành động tàn ác của những kẻ khủng bố (Ảnh: AP) |
Người dân đau khổ bên cạnh xác những người thân của họ bị thiệt mạng sau vụ đánh bom (Ảnh: AP) |
Một người đàn ông bị thương trong vụ đánh bom (Ảnh: AP) |
Ngoài 78 người thiệt mạng còn có 141 người bị thương (Ảnh: AP) |
Khung cảnh hoang tàn sau vụ đánh bom (Ảnh: AP) |
Các xác chết nằm la liệt khắp nơi (Ảnh: AP) |
Đây được xem là vụ tấn công đẫm máu nhất từ trước đến nay chống lại cộng đồng Kitô giáo ở Pakistan (Ảnh: AP) |
Trong số 141 người bị thương có 37 trẻ em (Ảnh: AP) |
Nhóm Jundulla có liên hệ với Taliban lên tiếng nhận trách nhiệm về loạt đánh bom (Ảnh: AP) |
Một người phụ nữ khóc thương bên xác người con trai xấu số (Ảnh: AP) |