Toàn châu Á cảnh giác với dịch cúm H7N9
(VOV) - Giới chức tăng cường giám sát; du khách được khuyến khích đeo khẩu trang; còn người dân thay đổi thói quen ăn uống.
Các nước châu Á hôm 25/4 kêu gọi tăng cường đề phòng sự lây lan của virus cúm gia cầm H7N9 sau khi vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) báo cáo ca nhiễm H7N9 đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đại lục. Cũng vào hôm 25/4, giới chức trách y tế tỉnh Giang Tây xác nhận ca nhiễm virus H7N9 đầu tiên tại tỉnh này.
Sau khi ca nhiễm virus H7N9 đầu tiên ngoài Trung Quốc đại lục được xác nhận trên vùng lãnh thổ Đài Loan, nhiều nước châu Á đã tăng cường kiểm tra virus H7N9 tại sân bay đối với hành khách đến từ Trung Quốc.
Dòng du khách Trung Quốc đi các nước
Các nước láng giềng của Trung Quốc như Nhật Bản và Hàn Quốc đang nâng cao cảnh giác khi dự báo nhiều nhóm khách du lịch Trung Quốc sẽ đến các nước này trong kỳ nghỉ Ngày Quốc tế Lao động 1/5, đồng thời khuyến cáo người dân các nước này khi đến tham quan du lịch Trung Quốc nên tránh xa các trại nuôi gia cầm và đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Hàn Quốc, Philippines và đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) đã phải sử dụng máy quét nhiệt tại các cửa khẩu nhập cảnh chính để phát hiện những người có dấu hiệu bị sốt. Trong khi đó, Nhật Bản cho phép các sân bay và các cảng “đo thân nhiệt” hành khách đến từ Trung Quốc bắt đầu từ tháng 5 tới. Bộ Y tế Thái Lan cũng thông báo đang chuẩn bị chương trình hành động để ứng phó với nguy cơ dịch cúm có thể lan rộng.
Phản ứng trước tình hình dịch cúm gia cầm H7N9 đang diễn biến ngày càng phức tạp, giới chức trách vùng lãnh thổ Đài Loan kêu gọi cư dân “phòng ngừa cao độ” khi đi du lịch tới Trung Quốc đại lục, và đặt Thượng Hải, Bắc Kinh cùng 5 tỉnh khác của Trung Quốc đại lục vào tình trạng cảnh báo đặc biệt đối với du khách.
Giới chức nông nghiệp Đài Loan hôm 25/4 cũng ra thông báo cấm giết mổ gia cầm tại các chợ truyền thống từ ngày 17/5 tới, sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch trước đó, do lo ngại tình trạng lây nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 lan rộng. Đồng thời, người dân ở trên toàn vùng lãnh thổ Đài Loan cũng được khuyến khích nâng cao cảnh giác, có những biện pháp đề phòng lây nhiễm cúm.
Một người dân Đài Loan cho biết: “Hiện giờ, trong thời điểm có dịch cúm gia cầm, thói quen ăn uống của chúng tôi cũng có đôi chút thay đổi. Chẳng hạn, tôi phải chuyển sang ăn rau và cá nhiều hơn”.
Diễn biến phức tạp tại Trung Quốc
Dịch cúm gia cầm H7N9 vẫn tiếp tục xu hướng lan rộng khi giới chức y tế tại tỉnh Giang Tây (miền Đông Trung Quốc), tối 25/4 xác nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm H7N9 đầu tiên ở tỉnh này.
Trước đó, ông Chúc Liệt Tân - Người phát ngôn của Sở Y tế Giang Tây cũng thông báo: “Một bệnh nhân đã được xác nhận là nhiễm virus cúm H7N9 sau khi ông này nhập Bệnh viện Nam Xương số 3, và mẫu máu của bệnh nhân này đã được Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Nam Xương xét nghiệm. Đây là trường hợp đầu tiên nghi nhiễm virus cúm H7N9 tại tỉnh chúng tôi”.
Theo thông báo của Sở y tế tỉnh Giang Tây, bệnh nhân nam nhiễm cúm H7N9 là một cán bộ hưu trí 69 tuổi tại Nam Xương, có các triệu chứng như sốt cao, tức ngực và tiêu chảy. Người này đã được đưa tới bệnh viện thành phố Nam Xương và đang trong tình trạng nguy kịch. Thông báo cũng cho biết, bệnh nhân này đã không rời khỏi thành phố trong thời gian gần đây cũng như không tiếp xúc với những con chim chết, nhưng sống gần một khu chợ bán gia cầm sống. Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Nam Xương cũng đã cách ly 14 người tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân.
Cũng vào hôm 25/4, đã có thêm 3 trường hợp nhiễm cúm gia cầm H7N9 mới, trong đó 2 trường hợp ở tỉnh Chiết Giang và 1 trường hợp ở tỉnh Hà Nam, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh tại Trung Quốc lên 108 người và đã có 23 bệnh nhân tử vong./.