Toàn thế giới chung tay ngăn ngừa HIV/AIDS
(VOV) - Đã có rất nhiều nỗ lực quyết liệt và thiết thực trong cuộc chiến sống còn này trên phạm vi toàn cầu.
Ngày 1/12 hàng năm là ngày Thế giới phòng, chống AIDS. Chủ đề ngày này năm nay là “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”. Nhân dịp này, các quốc gia trên thế giới đều đưa ra thông điệp kêu gọi mọi người cùng nâng cao nhận thức về căn bệnh thế kỷ này.
Nhân ngày này, các cơ quan Liên Hợp Quốc đã phát động một chiến dịch kêu gọi chính phủ các nước, giới chủ và các liên đoàn lao động cam kết bảo vệ quyền của những người đang sống chung với HIV tại nơi làm việc. Theo Tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế Guy Ryder, thông qua chiến dịch, Liên Hợp Quốc có thể tăng cường quyền lợi của những người đang sống chung với HIV tại nơi làm việc. Bởi lẽ, nơi làm việc cũng là địa chỉ để mọi người tăng cường nhận thức, phòng tránh và tiếp cận với các chăm sóc về HIV/AIDS. Ngoài ra, bố trí công việc phù hợp cho những người đang sống chung với HIV cũng sẽ góp phần giải quyết tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng trong xã hội, qua đó góp phần giảm lây nhiễm bệnh.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS bằng nhiều hoạt động thiết thực. Hôm 29/11, Bộ Y tế Trung Quốc đã công bố báo cáo mới nhất là kể từ khi ca lây nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc năm 1985 cho đến tháng 10 năm nay, số người được xác định có HIV và đã chuyển sang giai AIDS đã có hơn 492.000 người. Trong đó, có hơn 108.000 người cũng đã chết vì căn bệnh này. Đáng báo động là các ca lây nhiễm căn bệnh thế kỷ này đang có chiều hướng tăng mạnh ở các nhóm thanh thiếu niên và người già tại Trung Quốc, từng được xem là nhóm có ít nguy cơ hơn cả. Trong đó, quan hệ tình dục chính là nguyên nhân chính làm gia tăng các ca lây nhiễm HIV/AIDS ở Trung Quốc.
Ông Tân Hoa, một quan chức của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh tại Bắc Kinh cho biết: “Trong số các ca lây nhiễm HIV mới tại Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, có gần 86% các ca lây nhiễm mới mà chủ yếu là lây truyền qua đường tình dục. Số các ca lây nhiễm HIV đang tăng mạnh ở những người trẻ tuổi từ 15 đến 24 tuổi và những người trên 50. Con số này đang tăng nhanh theo từng năm. Hiện tại, thanh thiếu niên và người già đang được xem là nhóm có nguy cơ cao tại Trung Quốc.”
Còn tại Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã công bố một bản kế hoạch đầy tham vọng nhằm tạo dựng một thế hệ mới không có AIDS vào năm 2015. Theo đó, Mỹ sẽ tăng cường các hoạt động điều trị HIV trên toàn nước Mỹ nhằm cắt giảm số người chết do AIDS và thúc đẩy việc ngăn ngừa các ca lây nhiễm HIV. Mỹ cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2013 sẽ điều trị cho khoảng 6 triệu người bằng thuốc cũng như tăng số nam giới cắt bao quy đầu. Nghiên cứu cho thấy, nam giới cắt bao quy đầu ít có nguy cơ nhiễm HIV hơn so với nam giới không cắt bao quy đầu.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary nói: “Chúng ta cần thống nhất với nhau rằng: HIV sẽ vẫn tồn tại với chúng ta trong tương lai song nó sẽ không tiếp tục lây lan trong xã hội. Như vậy, chúng ta có thể đạt tới giới hạn mà gần như không có trẻ em sinh ra có HIV và khi những trẻ em này lớn lên, nguy cơ lây nhiễm HIV ở các em gần như ở mức thấp nhất. Tôi cũng kêu gọi các quốc gia khác cũng đặt ra những mục tiêu tham vọng để xây dựng một thế giới không còn thế hệ có AIDS. ”
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ hỗ trợ các hoạt động đối phó với HIV/ AIDS cho gần 5 triệu người ở khu vực Đông và Nam Phi, tăng cường cơ hội cho người dân khu vực này tiếp cận với các hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV, cũng như bao cao su và các phương pháp ngăn ngừa HIV/AIDS khác.
Với gần 6 triệu ca nhiễm HIV, Nam Phi đang là quốc gia có có số người mắc căn bệnh thế kỷ lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nước triển khai chương trình điều trị quy mô nhất hiện nay. Bộ Y tế nước này cũng vừa cho biết đã đấu thầu thành công một gói thầu cung cấp thuốc mới trị giá gần 6 tỷ Rand - tương đương 730 triệu USD - nhằm nâng số bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) của nước này từ 1,7 triệu người hiện nay lên 2,5 triệu người vào năm 2015.
Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ khi HIV/ AIDS được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới. Đến nay có khoảng 34 triệu người đang sống chung với HIV và khoảng 30 triệu người khác chết vì căn bệnh này./.