Tổng thống Mỹ muốn tạo di sản đối ngoại qua chuyến thăm châu Âu
VOV.VN - Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Mỹ Obama muốn qua chuyến thăm châu Âu cuối cùng để lại dấu ấn của mình.
Được xem là chuyến thăm có thể là cuối cùng của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến châu Âu trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống vào cuối năm nay nên chuyến thăm của ông Obama tới Anh, Đức thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Biên tập viên ĐTNVN đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thùy Vân, thường trú ĐTNVN tại Pháp về vấn đề này.
Thủ tướng Anh David Cameron chào đón Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm London. (Ảnh: PA)
PV: Dư luận Châu Âu đánh giá như thế nào về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Anh và Đức, hai quốc gia có nhiều ảnh hưởng tại Châu Âu ?
Đây được xem là chuyến thăm có thể là cuối cùng của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến châu Âu trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống vào cuối năm nay nên từ trước chuyến đi, các nhà phân tích chính trị ở châu Âu đã nhận định rằng ông Obama sẽ rất chú trọng đến việc tạo di sản, tức là để lại dấu ấn của mình.
Điều này đã được thể hiện rất rõ ở Anh, nơi ông Obama đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, dứt khoát về một trong những chủ đề đang nóng bỏng nhất ở nước này là Brexit, tức là việc nước Anh ở lại hay ra khỏi Liên minh châu Âu.
Điều này khác hẳn với thái độ thận trọng thường thấy ở ông Obama trong chính sách đối ngoại. Còn ở Đức, ông Obama đã có rất nhiều hành động nhằm chinh phục dư luận và các đối tác Đức, từ việc ca ngợi bà Angela Merkel, khai mạc Hội chợ Hannover nổi tiếng của Đức cho đến các tuyên bố nâng cao vai trò và vị thế của Đức trong NATO… Nhìn chung, ông Obama thực hiện một chuyến đi mang lại nhiều tín hiệu tích cực đối với các nước châu Âu.
PV: Chị có thể cho biết người Anh phản ứng như thế nào trước những tuyên bố của ông Obama về việc Anh đi hay ở lại Liên minh Châu Âu? Tuyên bố của Tổng thống Obama liệu có đủ sức thuyết phục những người hoài nghi ở Anh hay không, thưa chị?
Tại Anh, ông Obama đã lần đầu tiên nói rõ quan điểm của mình về Brexit, theo đó ông phản đối Brexit và tuyên bố rằng nước Anh sẽ lớn mạnh hơn nếu ở lại trong Liên minh châu Âu và ngược lại, EU cũng cần có nước Anh. Đây được coi là sự ủng hộ rất lớn đối với chính phủ của ông David Cameron, những người đang mở chiến dịch thuyết phục dân chúng Anh bỏ phiếu chống lại Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/6 tới.
Tổng thống Obama đã lần đầu tiên nói rõ quan điểm của mình về Brexit. (Ảnh: AP) |
Ông Obama đã dùng đến một trong những lý lẽ mạnh nhất để phản đối Brexit, đó là tuyên bố nếu nước Anh rời khỏi EU thì khả năng hai nước Mỹ và Anh ký kết Hiệp định tự do thương mại và đầu tư riêng rẽ là rất không khả thi. Đây là gáo nước lạnh dội vào phe ủng hộ Brexit mà dẫn đầu là Thị trưởng London, Boris Johnson khi phe này cho rằng nếu ra khỏi EU, nước Anh sẽ có thể ký một Hiệp định tốt hơn với Mỹ. Dĩ nhiên phát biểu phản đối Brexit của ông Obama đã gây tranh luận lớn trong dân chúng Anh.
Phe phản đối Brexit thì vui mừng vì đã có được một sự ủng hộ cực kỳ quan trọng còn phe muốn Brexit thì chỉ trích ông Obama là “đạo đức giả” bởi họ cho rằng nước Mỹ không bao giờ nhân nhượng về vấn đề chủ quyền nhưng nay lại muốn Anh từ bỏ chủ quyền trong EU. Tuy nhiên, các nhà phân tích đều nhận định việc ông Obama công khai phản đối Brexit là một bước ngoặt quan trọng và đem lại lợi thế rõ rệt cho phe phản đối Brexit.
PV: Một chủ đề khác được dư luận quan tâm nhiều trong chuyến thăm Châu Âu lần này của ông Obama đó là việc thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương. Cho dù ít khả năng việc đàm phán Hiệp định này có thể kết thúc trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama vậy việc ông Obama đề cập chủ đề này trong các cuộc gặp mặt tại Đức mang ý nghĩa gì, thưa chị?
Trước hết phải nói rõ thêm là cuộc gặp ở Đức giữa ông Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel không chỉ là cuộc gặp song phương mà còn là đa phương bởi bà Merkel đã mời cả Thủ tướng Anh, David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy, Matteo Renzi tham dự.
Vì thế đây được gọi là cuộc gặp G5 và các chủ đề mà 5 nhà lãnh đạo này thảo luận rất rộng, từ các cuộc khủng hoảng ở Syria, Lybia, Ukraine đến vấn đề người tị nạn hay các chính sách của NATO nhằm đối phó với Nga…. Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương – TTIP cũng được nói đến nhiều nhưng khả năng lớn là không được đưa vào nghị trình bàn thảo bởi chủ đề này hiện đang gây tranh cãi rất lớn ở châu Âu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: Reuters) |
Ngay trước khi ông Obama đến Đức thì rất nhiều cuộc biểu tình lớn đã diễn ra ở Hannover nhằm phản đối TTIP và theo điều tra thì dưới 20% người Đức cho rằng TTIP sẽ là một Hiệp định tốt.
Ngoài ra, phía Pháp cũng phản đối chuyện đưa TTIP ra bàn thảo bởi Pháp vốn là nước có nhiều quan điểm cứng rắn với Mỹ trong Hiệp định này và vào thời điểm chỉ còn hơn 1 năm nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, Paris không muốn việc bàn thảo Hiệp định này chiếm quá nhiều thời gian trong chính sách đối ngoại của Paris. Vì thế, nhiều khả năng là Hiệp định này sẽ chỉ được bàn bên lề các cuộc gặp, đặc biệt giữa ông Obama và bà Merkel bởi đây là 2 nhà lãnh đạo nhiệt thành nhất với Hiệp định này.
PV: Cuộc khủng hoảng di cư và cuộc chiến chống khủng bố-hai vấn đề nóng tại Châu Âu hiện nay chắc hẳn cũng không nằm ngoài các chủ đề mà Tổng thống Mỹ Obama thảo luận với các nhà lãnh đạo Châu Âu trong cuộc gặp ngày hôm nay. Vậy chị có thể cho biết, Châu Âu mong chờ gì từ sự hợp tác với Mỹ trong hai vấn đề này?
Tại Đức, ông Obama đã hết lời ca ngợi sự dũng cảm của bà Angela Merkel trong việc giải quyết khủng hoảng người tị nạn. Ông Obama cũng đánh giá tích cực về thỏa thuận mới đây giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ về người tị nạn. Tuy nhiên, châu Âu có lẽ sẽ mong chờ những trợ giúp cụ thể hơn từ phía Mỹ trong việc này.
Từ trước đến nay Mỹ bị chỉ trích là đã quá thụ động và không nhiệt tình chia sẻ gánh nặng với châu Âu. Tuy nhiên, cuối năm 2015, ông Obama cũng đã có thay đổi khi tuyên bố nước Mỹ sẽ nhận 10.000 người tị nạn Syria trong năm tài khóa 2016.
Về vấn đề chống khủng bố thì các nhà lãnh đạo châu Âu và ông Obama chủ yếu bàn thảo về cuộc chiến ở Syria và Lybia, với hy vọng sớm tìm ra các giải pháp chính trị nhằm chấm dứt các cuộc khủng hoảng này, qua đó loại trừ được các môi trường thuận lợi của chủ nghĩa khủng bố./.