Tổng thống Myanmar gặp bà San Suu Kyi thảo luận chuyển giao quyền lực
VOV.VN - Ngày 2/12, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã có cuộc gặp đầu tiên với bà Aung San Suu Kyi sau khi đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) chiến thắng.
Chính phủ mới ở Myanmar sẽ tuyên thệ nhậm chức đầu năm sau và đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1960, nước này chứng kiến chính phủ được bầu một cách dân chủ lên nắm quyền.
Đối thoại ngày 2/12 diễn ra theo đề xuất của bà San Suu Kyi trong lá thư gửi Tổng thống Thein Sein ngày 11/11 vừa qua. Bộ trưởng Thông tin Myanmar Ye Htut cho biết, Tổng thống Thein Sein đã có cuộc họp kín kéo dài 45 phút với bà San Suu Kyi tại Dinh Tổng thống ở thủ đô Nay Pyi Taw, tập trung vào vấn đề chuyển giao quyền lực.
Tổng thống Myanmar Thein Sein đã có cuộc gặp đầu tiên với bà Aung San Suu Kyi sau khi đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) chiến thắng. (ảnh: AP). |
Ông Ye Htut cho biết, bầu không khí của cuộc thảo luận rất thân tình và cởi mở. “Tổng thống đã cam kết sẽ đảm bảo tiến trình chuyển giao suôn sẻ và bà San Suu Kyi cũng khẳng định đất nước này cần một tiến trình chuyển giao dân chủ tốt đẹp ở phía trước như là một ví dụ điển hình trong tương lai cho quốc gia có nền dân chủ non trẻ như chúng tôi. Chính phủ của chúng tôi đã đảm bảo sẽ để tiến trình này xảy ra”.
Chiều 2/12, bà San Suu Kyi có cuộc gặp riêng rẽ với Tư lệnh Lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing. Trước đó, Tướng Min Aung Hlaing cũng đã cam kết các lực lượng vũ trang sẽ hợp tác với chính phủ mới trong nhiệm kỳ tới vì ổn định, hoà bình và phát triển của Myanmar.
Theo kết quả bầu cử ngày 8/11, đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà San Suu Kyi đã giành được hơn một nửa số ghế tại Hạ viện và Thượng viện để có thể thành lập chính phủ mới, cũng như giành được quyền chỉ định hai ứng cử viên tranh chức Phó Tổng thống, trong khi một ứng cử viên còn lại sẽ do quân đội chỉ định theo hiến pháp Myanmar.
Phiên họp Quốc hội mới sẽ diễn ra vào tháng sau và tiếp theo Myanmar sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 2, tiến tới thành lập chính phủ mới vào cuối tháng 3.
Hiến pháp của Myanmar dường như sẽ vẫn là vấn đề mấu chốt gây tranh cãi trong nhiệm kỳ của chính phủ mới bởi nó vẫn tồn tại những thỏa thuận chia sẻ quyền lực ẩn chứa khả năng gây ra những bất đồng giữa lực lượng vũ trang và đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà San Suu Kyi.
Giới chức quân sự cho rằng, vẫn cần phải bảo vệ nền dân chủ non trẻ và duy trì hòa bình, và điều này có nghĩa là đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ vẫn cần có sự hỗ trợ của quân đội trong những lĩnh vực chủ chốt để điều hành đất nước.
Bà San Suu Kyi bày tỏ mong muốn hợp tác với giới chức quân đội Myanmar song rõ ràng muốn thay đổi nhiều phần trong bản Hiến pháp, trong đó có điều khoản cấm bà trở thành Tổng thống vì có 2 người con mang quốc tịch nước ngoài.
Bộ trưởng thông tin Ye Htut cho biết, vấn đề sửa đổi điều khoản trên vẫn chưa được đề cập trong cuộc gặp giữa Tổng thống Thein Sein và bà San Suu Kyi ngày 2/12 mà sẽ do Quốc hội mới quyết định sau.
Theo Hiến pháp hiện hành của Myanmar, giới chức quân đội nước này vẫn đang nắm 1/4 số ghế trong cơ quan lập pháp và nắm quyền phủ quyết một số đề xuất thay đổi về luật pháp. Hiện chưa rõ khi lên nắm quyền, Liên đoàn quốc gia vì dân chủ sẽ tiến hành cải cách thận trọng hay liều lĩnh thúc đẩy việc thay đổi một cách nhanh chóng vai trò chính trị của lực lượng vũ trang Myanmar./.